Truy tố cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà trong vụ Tập đoàn Thuận An

14/07/2025 20:30

Theo cáo buộc, sai phạm của bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, bị can Phạm Thái Hà và các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng số tiền hơn 120,4 tỷ đồng.

Ngày 14/7, VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan.

Trong đó, có ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An và 25 bị can bị truy tố buộc phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Ông Lê Ô Pích (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũ) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị can Phạm Thái Hà, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, bị cáo buộc phạm vào tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Truy tố cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà trong vụ Tập đoàn Thuận An- Ảnh 1.

Bị can Phạm Thái Hà. Ảnh: Bộ Công an

Theo cáo buộc, quá trình tham gia đấu thầu, trúng thầu và thi công các gói thầu của dự án tại các tỉnh: Bắc Giang (cũ), Tuyên Quang (cũ), Quảng Ninh, Hà Nội và tại Bộ GTVT, ông Nguyễn Duy Hưng đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với một số cá nhân là lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước, trong đó có ông Phạm Thái Hà để nhờ giới thiệu, can thiệp, tác động đến lãnh đạo cấp tỉnh, Bộ GTVT để tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, trúng thầu, thi công.

Ông Nguyễn Duy Hưng còn trực tiếp gặp, đặt vấn đề nhờ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh và lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ GTVT chỉ đạo nhân viên cấp dưới tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu, thi công dự án.

Cáo buộc cho rằng, ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên của Tập đoàn phối hợp với các công ty do Tập đoàn tìm, mời hoặc công ty do các Ban Quản lý dự án giới thiệu, chỉ định để tạo liên danh rồi thông đồng, móc ngoặc với các cá nhân là lãnh đạo Ban Quản lý dự án các tỉnh, Ban Quản lý dự án 4 thuộc Bộ GTVT và đơn vị tư vấn để phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, dự toán.

Đồng thời, bị can mời các đơn vị này tham gia góp ý xây dựng hồ sơ mời thầu; cung cấp, tiếp nhận tài liệu, dữ liệu của hồ sơ mời thầu trước khi phát hành; gửi hồ sơ dự thầu để chấm trước; thỏa thuận chi tỷ lệ % tiền "cơ chế" cho các cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các gói thầu, dự án để các cá nhân này chỉ đạo cấp dưới và phối hợp, cùng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu theo yêu cầu của Tập đoàn Thuận An.

Cơ quan tố tụng cho rằng, các sai phạm trên tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An và liên danh các nhà thầu trúng thầu, thi công các gói thầu tại 5 Dự án nêu trên, hưởng lợi bất hợp pháp.

Đầu tư chứng khoán trên ứng dụng SKSVIP, 3 người chơi mất 3,5 tỷ đồngHoãn phiên xét xử Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để triệu tập bên đối chất

Hành vi của Nguyễn Duy Hưng và các đồng phạm, đối tượng liên quan trong vụ án đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước tổng số tiền hơn 120,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, VKS cho rằng hành vi của Nguyễn Duy Hưng còn dẫn đến nhiều cán bộ ở các địa phương nơi có dự án, gói thầu thi công thực hiện hành vi sai phạm bị xử lý hình sự và kỷ luật, làm giảm niềm tin của nhân dân, khiến dư luận bức xúc.

Hải Vân (T/h theo Tiền Phong, VietNamnet, Dân Việt)