Tái hiện Tết truyền thống dân tộc và Tết cung đình
Tết Nguyên đán là Tết đầu tiên mở đầu của một năm, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đang tổ chức trưng bày Phong tục tết Nguyên đán dân gian truyền thống và Nghi lễ tết cung đình, nhằm phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống được trưng bày thông qua việc tái hiện không gian sinh hoạt ngày Tết của một gia đình thị dân ở Kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh Tết, câu đối Tết, đốt pháo Tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc Tết, mừng tuổi, thú chơi hoa Tết... Không gian trưng bày cổ kính, mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất Kinh kỳ xưa. Không gian phong tục Tết truyền thống thể hiện không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm: Đi chợ tết mua sắm thực phẩm, lau dọn, trang hoàng bàn thờ gia tiên và nhà cửa, gói bánh chưng, làm giò, làm mứt... Tết dân gian truyền thống được trưng bày tại khu vực đón tiếp Nhà 19C
Không gian trưng bày Tết cung đình giới thiệu lễ Chính đán thời Lê Trung hưng, là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Nghi lễ Chính đán được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trưng bày diễn giải với 3 nội dung chính: Hệ thống pano tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; không gian phỏng dựng nghi thức dâng biểu chúc mừng nhà Vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi. Điểm nhấn đặc biệt của trưng bày là lần đầu tiên một nghi lễ Tết cung đình được tái hiện dưới hình thức phim trình chiếu 3D "Lễ Chính đán thời Lê". Bộ phim mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ trọn vẹn và ấn tượng về âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu câu chuyện…đưa khán giả hoà mình vào không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá Vua sang điện Kính Thiên; Vua lên ngai, văn võ bá quan vào chầu hành lễ; lễ tuyên biểu mục, tuyên biểu và lễ tuyên chế; bách quan chúc mừng Vua. Tết cung đình được trưng bày tại khu vực sân điện Kính Thiên Nhà N14.
Các hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp năm Qúy Mão) đến ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết Giáp Thìn).
Tôn vinh đạo học tại Hội chữ Xuân
Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 và Triển lãm thư pháp "Hiếu học" sẽ diễn ra từ ngày 3/2 đến ngày 19/2 (Tức ngày 24 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại khu vực hồ Văn – Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hội chữ Xuân mở cửa hàng ngày hàng ngày từ 8 giờ đến 22 giờ.
Hoạt động chính của Hội chữ Xuân năm nay là hoạt động cho chữ, xin chữ tại Hồ Văn. Các gian lều viết chữ của 40 "ông đồ" sẽ được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu Xuân năm mới. Bên cạnh đó, triển lãm thư pháp với chủ đề "Hiếu học" sẽ trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống "Hiếu học" ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân… để thể hiện tinh thần "Hiếu học", cũng như tôn vinh truyền thống "Hiếu học" của dân tộc Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân năm nay, còn có nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (Không gian sĩ tử đi thi, Làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố…); Không gian văn hóa đọc; Giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày xuân; Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc: Quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: "Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã có sự chuẩn bị chu đáo cho Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, từ các hoạt động như triển lãm Thư pháp, lựa chọn người viết chữ cùng chương trình nghệ thuật truyền thống, cho đến việc bố trí các gian viết chữ… Chúng tôi hy vọng, Hội chữ Xuân được tổ chức thường niên tại Hồ Văn sẽ là địa điểm du xuân yêu thích và là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa thu hút đông đảo khách tham quan Thủ đô,du khách đến từ mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế".
Phong vị Tết phố Hà NộiTại các di tích trong khu Phố cổ Hà Nội đang diễn ra chuỗi các hoạt động "Tết Việt – Tết Phố 2024". Phó Trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, Chương trình được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Chương trình cũng mở rộng sự tham gia của cộng đồng hơn nữa, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa tổ quốc cùng hướng về cội nguồn, gắn kết với nhau, cùng chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền và chung tay tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Tại không gian đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc được trang trí thành không gian Tết truyền thống theo chủ đề 12 con giáp và con giáp năm 2024 - con Rồng. Tại đây, các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa sẽ có buổi nói chuyện về Tết của đồng bào Tày, Nùng; về thú chơi hoa thủy tiên…
Còn ở Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sẽ giới thiệu Tết của người Hà Nội xưa, qua việc sắp đặt và giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa. Ngoài ra, tại đây sẽ có một buổi gói và luộc bánh chưng để dành cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ sẽ là nơi tái hiện không gian Tết truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ với chủ đề "Nếp nhà xưa" và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm… chủ đề con giáp của năm 2024, biểu diễn âm nhạc truyền thống và tọa đàm về Tết truyền thống của người Việt.
Các địa chỉ văn hóa khác trong khu phố cổ như: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm; đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, 28 Hàng Buồm… cũng trở thành những địa chỉ giới thiệu về văn hóa Việt, thú chơi hoa, về các phong tục ngày Tết.
Tại không gian bích họa Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he…
Các hoạt động bắt đầu từ ngày 28/1 và kết thúc sau dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách.
Lan tỏa văn hóa đọcTại Phố Sách Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức chương trình Phố Sách Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề "Tri thức trao tay – Xuân vạn điều may". Chương trình diễn ra từ ngày 5/2 đến ngày 14/2 (tức 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).
Chương trình bao gồm nhiều hoạt động, từ tọa đàm sách; ra mắt các tác phẩm mới; trưng bày sách và sản phẩm ngày Tết, hoạt động workshop về làm bao lì xì, trải nghiệm về Thiên Văn, làm đồ tái chế, làm đồ chơi rồng bằng giấy và các trò chơi dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt độngt ôn vinh âm nhạc hiện đại; tôn vinh âm nhạc, nhạc cụ truyền thống Việt Nam; biểu diễn hòa tấu nhạc cụ truyền thống Việt Nam; biểu diễn nghệ thuật xẩm…. Cùng với đó là các tọa đảm "Xây dựng thương hiệu cá nhân bằng xuất bản" do Nhà sách Phương Nam thực hiện; tọa đàm "Nghệ thuật làm cha mẹ" do Nhà sách Huy Hoàng thực hiện, giao lưu "Sáng tạo trang sách mới, bé gửi gắm ước mơ" do Nhà sách Đinh Tị thực hiện…
Trong 10 ngày hoạt động chào Xuân Giáp Thìn, có hơn 60 hoạt động diễn ra tại Phố Sách. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn thực hiện trang trí không gian Phố Sách tràn ngập sắc Xuân, tạo điểm đến hấp dẫn đối với người dân Hà Nội và du khách.
Minh Anh