TPHCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần

14/06/2021 21:26

Cuộc họp trực tuyến về Covid-19 sáng 14-6 tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Sáng 14-6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.

Tham dự tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
TPHCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Xử lý nghiêm các trường hợp, nơi không chấp hành chỉ đạo của UBND TPHCM
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ ngày 18-5 đến ngày 13-6, TPHCM ghi nhận 821 ca mắc Covid-19, dịch lan rộng ra 22/22 quận/huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, quận Gò Vấp nhiều nhất với 115 ca. Đồng thời cho rằng, bằng sự quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12), kể cả chuỗi ca bệnh liên quan đến Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát. Tuy nhiên về tổng thể, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt xuất hiện liên tiếp hàng loạt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy, nhiều khả năng dịch đã xâm nhập vào TP từ đầu tháng 5 và đã trải qua  4 -5 chu kỳ lây nhiễm.
TPHCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần ảnh 2
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm 2 tuần nữa. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12)  chuyển từ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang theo Chỉ thị 15. Tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, mức độ kiểm soát trong 1 tuần tới, có thể một số khu vực  chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.

“Chủ tịch UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm soát, kiểm tra mạnh mẽ hơn nữa. Xử lý nghiêm các trường hợp, nơi không chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND TP về công tác phòng, chống dịch. Những nơi  tụ tập đông người, không chấp hành nghiêm Chỉ thị 15, nếu để phát sinh dịch bệnh từ đây Chủ tịch các quận, huyện, TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ có thể xem xét trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, các đơn vị phải quyết liệt hơn nữa, phải kiểm tra chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Trụ sở, nơi làm việc quận/huyện, sở - ngành phải tăng cường hệ thống kiểm tra phòng chống dịch một cách chặt chẽ hơn nữa. Các bệnh viện phải triển khai nhanh chóng các biện pháp sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh cho chặt chẽ.
“Trước hết cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị phải tuyệt đối chấp hành thực hiện nghiêm các chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh của TP”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đẩy mạnh điều tra truy vết, xét nghiệm

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong tình hình lây lan nhanh như hiện nay, cần củng cố công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch. Khẩn trương điều tra, lập danh sách người tiếp xúc gần để cách ly tập trung; lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tích cực điều tra dịch tễ, xác định người tiếp xúc với người tiếp xúc gần để cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm; sắp xếp điều phối việc tiếp nhận việc lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, đảm bảo kịp thời có kết quả xét nghiệm, với F1 cố gắng 8 – 12 giờ, F2 có thể 24 giờ có kết quả.

Bên cạnh đó, cần khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng; riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh, tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm nêu trên.

Song song với tổ chức xét nghiệm mở rộng, thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm do đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ 2, thứ 3 trong cùng gia đình, cùng nơi làm việc... Cùng với đó là thông báo, vận động những người từng đến các địa điểm có ổ dịch được HCDC thông tin trên các phương tiện truyền thông khẩn trương khai báo cho y tế địa phương để giám sát kịp thời, ngăn ngừa tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu thực hiện triệt để việc giãn cách là đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc đối với cán bộ, công nhân, viên chức; Bếp ăn tập thể tại cơ quan chỉ mang đi không ăn chung; Sau giờ làm việc cán bộ công chức gương mẫu ở nhà toàn thời gian.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong trường hợp công sở bị cách ly, dừng triệt để các cuộc họp không cần thiết; Sở Y tế tăng cường thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tất cả các bệnh viện, phòng khám phải siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến, lưu ý kiểm tra yếu tố dịch tễ; Sàng lọc kỹ người đến nơi có ghi nhận ca mắc, người có triệu chứng nghi ngờ mắc. Tất cả nhân viên y tế thực hiện nghiêm biện pháp 5K, mang khẩu trang y tế trong suốt thời gian làm việc, sau thời gian làm việc hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không tụ tập, không đi đến nơi đông người khi không cần thiết.

Thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân, đặc biệt ở các khoa, phòng nguy cơ cao để phát hiện sớm nguồn lây.

Phối hợp các đơn vị triển khai khi cách ly tập trung của TP đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra giám sát thường xuyên đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly.  

Từ thực tế Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong giao Sở Y tế TP đánh giá nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bổ sung các phương án phòng dịch tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp tương tự. Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao (KCX-KCN-KCNC) phối hợp với các đơn vị liên quan  tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch tại các KCX-KCN-KCNC với yêu cầu 100% cơ sở sản xuất phải hậu kiểm phòng, chống dịch.

Rà soát, tiến hành thẩm định cơ sở của các nhà kho, nhà xưởng không sử dụng, để chuẩn bị cải tạo thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh. Đồng thời, cho 1 số doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất, đảm bảo an toàn trong sản xuất. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cuộc họp hôm nay có ý nghĩa lớn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép của TPHCM. TP đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng lực hệ thống chính trị, các ngành, các cấp cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ Y tế, công an, quân đội… và phối hợp với các địa phương lân cận, TP đã đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đến nay cơ bản TP đã kiểm soát được ổ dịch tại Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng nhưng lại xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Việc xâm nhập, từ chủng virus Beta (chủng Ấn Độ) lây lan nhanh, từ 3 ca chỉ trong 3 ngày đã lên tới 53 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, may mắn là chưa lây vào các khu điều trị. Hiện các quận huyện của TPHCM đều đã xuất hiện các ca mắc, tuy nhiên TP vẫn giữ mức độ kiểm soát nhưng chưa kiềm chế được dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, phải truy vết quyết liệt, làm tận gốc, những ca nào mới phát hiện cũng phải khoanh vùng nhanh, truy vết nhanh nếu để chậm trễ sự lây lan sẽ khó lường. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp giãn cách kịp thời, nếu kiểm soát tốt từng bước nới lỏng.

TPHCM cần đánh giá nguyên nhân nguồn lây để có giải pháp xử lý tốt; nắm chắc địa bàn, quản lý chắc địa bàn, quản lý các hoạt động cộng đồng, quản lý các hoạt động mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo…

“Dứt khoát, trên địa bàn dân cư không để được sơ hở, kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức quản lý, tổ dân phố, tổ Covid không để xảy ra tình trạng sinh hoạt tập trung đông người. Nơi nào xảy ra vi phạm xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp, KCN-KCX phải đảm bảo sản xuất có sự giãn cách, có quy trình, quy chế chặt chẽ. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, TP cần lưu ý việc xét nghiệm nhanh, sàng lọc nhanh, phát hiện nhanh, xử lý nhanh như vừa qua TP đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm và sẵn sàng chuẩn bị các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM phải đưa thông tin cho chính xác, kịp thời, tập trung tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phải nâng cao ý thức của người dân để nâng cao thế phòng ngự vững chắc; Phải thông tin đầy đủ, nói rõ kiểm soát đến đâu. Đồng thời cần giải thích rõ việc tại sao đã chích ngừa rồi vẫn lây lan dịch bệnh.

Thành lập trung tâm chỉ huy tiếp nhận phản ánh

Báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, chỉ có một số ca mới phát sinh tại phường 17 và phường 9, nhưng đang được kiểm soát tốt.

Hiện, quận Gò Vấp tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt địa bàn, nhất là khu nhà trọ, doanh nghiệp, chợ đầu mối, hẻm sâu và các điểm tôn giáo; riêng về các điểm trực, tiếp tục tăng cường chốt trực nhưng không để ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp; quận đã vẫn động được trên 1,4 tỷ ủng hộ cho Quỹ vaccine của TP và hơn 1 tỷ đồng các mạnh thường quân ủng hộ cho công tác hỗ trợ người dân, hộ gia đình khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch.

Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp công tác phòng chống, dịch đã được kiểm soát, nhưng là quận đông dân, nhiều doanh nghiệp nên qua 2 tuần thực hiện giãn cách cũng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, vì vậy quận đề xuất không thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có thể áp dụng Chỉ thị 15 để tiếp tục khoanh vùng, truy vết các ca nghi mắc trong cộng đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, ngày 13-6, quận 12 ghi nhận một số ca mới mắc Covid-19; phường Thạnh Lộc từ ngày 7-6 đến nay không phát sinh ca mới, vì vậy quận 12 đề xuất không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với phường này, chuyển qua thực hiện Chỉ thị 15.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: "Thực sự các điểm phong toả tại TP đã được kiểm soát hết chưa? Trong khi vẫn phát hiện nhiều ca mới lẻ tẻ tại các khu này” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề rồi cho rằng, thực tế việc lây nhiễm trong cộng đồng chưa được kiểm soát hết, vẫn xuất hiện các ca mắc mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; hay nhiều bệnh viện khác ở TP... Rõ ràng qua những phân tích trên để thấy rằng việc có nên cho quận Gò Vấp và toàn TP có thể bỏ giãn cách được chưa? Hay phải tiếp tục thực hiện giãn cách tiếp.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực về ca mắc tại Công ty PouYuen Việt Nam, lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, tình hình kiểm soát công tác phòng, chống dịch tại công ty này được thực hiện tốt, không có ca nghi mắc mới, nhưng không vì thế mà quận và công ty chủ quan. Tất cả các giải pháp quyết liệt nhất vẫn được quận triển khai quyết liệt.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, nếu quận Bình Tân cho rằng công tác kiểm soát phòng, chống dịch tốt, nhưng đích thân ông nhận được cuộc điện thoại của nguời dân phản ánh: Ngày hôm qua, sau 2 trận bóng của cúp Châu Âu, tại chung cư Ehome vẫn có tình trạng người dân tụ tập xem đá bóng, sau đó tổ chức ăn nhậu.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, thành phố Thủ Đức đã ghi nhận 88 trường hợp F0/22 phường, trong đó có 46 ca liên quan tới Điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp; các nguồn lây khác chưa rõ nguồn lây chiếm 25 ca. Trung bình 1 ngày (từ ngày 18-5 đến ngày 13-6) số ca F0 tăng liên tục; TP Thủ Đức đã chuẩn bị được 7 khu cách ly (1.856 giường), đã cách ly tại các khu cách ly của quận gần 180 trường hợp.
TP Thủ Đức dự báo số ca F1 tăng nên đã chuẩn bị thêm một số khu cách ly; Hiện phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tăng Nhơn Phú A và Tăng Nhơn Phú B có 53 ca mắc, TP Thủ Đức đề nghị Bộ Tư lệnh TP hỗ trợ phun khử khuẩn tại các khu này; TP Thủ Đức cũng có nhiều khu công nghiệp, cảng biển nên kiến nghị TPHCM có kịch bản tổ chức sản xuất khép kín để tránh lây nhiễm chéo và phát sinh các ca mới trong cộng đồng. TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ về công tác hậu cần, an ninh trật tự.
Đến đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề, vậy trong 88 ca tại TP Thủ Đức có bao nhiêu trường hợp F0? Tránh trường hợp như việc Trung tâm y tế quận 5, khi người dân gọi điện phản ánh có trường hợp nghi mắc Covid-19 báo với trung tâm để cho người xuống điều tra truy vết, nhưng cán bộ trung tâm này lại nói người dân gọi qua số điện thoại của HCDC. Rồi khi người dân gọi cho HCDC thì cán bộ trực đường dây nóng không bắt máy… “Đây là sự vô cảm không thể chấp nhận được?”- Chủ tịch UBND TPHCM không hài lòng và yêu cầu từ vụ việc trên TP Thủ Đức phải nhanh chóng thành lập ngay trung tâm chỉ huy, cán bộ trực 24/7 để nhanh chóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. 

THÀNH SƠN - QUANG HUY

Nguồn