Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường – ông Nguyễn Thịnh Hiền cho biết: Hiện toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thiết lập đường dây nóng. Đa phần các địa phương đều giao Chi cục BVMT trực thuộc Sở là đơn vị đầu mối thực hiện; một số ít địa phương giao cho Thanh tra Sở TN&MT làm đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin.
Việc vận hành, duy trì đường dây nóng đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các địa phương trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Sự phối hợp 2 chiều giữa đường dây nóng Tổng cục và đường dây nóng các địa phương ngày một chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống đường dây nóng đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức, cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng và người dân, góp phần phát huy vai trò của người dân trong công tác BVMT.
Có thể thấy, cho đến nay, giải quyết các sự cố môi trường phát sinh đã chuyển từ thế bị động sang chủ động. Hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh.
Đặc biệt, đã phối hợp để tập trung quản lý tốt 20 -30% các đối tượng chính nhưng gây ra 70 – 80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, đảm bảo các đối tượng này thực hiện tốt công tác BVMT.
Qua đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý Nhà nước về BVMT tăng dần qua từng năm. Cụ thể môi trường là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018; tỷ lệ người dân quan tâm đến vấn đề BVMT tăng từ 69% (năm 2017) lên đến 74% (năm 2018).
Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống đường dây nóng đã góp phần phát hiện, xử lý hàng nghìn vấn đề, điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc đã được Tổng cục Môi trường phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời.