Tín hiệu vui từ vùng xanh

22/09/2021 22:41

Sau thời gian nỗ lực khống chế dịch bệnh, ghi nhận số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm, đến nay, nhiều tỉnh thành phía Nam đã điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng vẫn phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, người dân, doanh nghiệp bắt đầu tính chuyện làm ăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh

“Mừng quá, cả tỉnh xanh rồi. Từ ngày mai mình sẽ được chạy về quê thăm ba má”, đó là dòng trạng thái chia sẻ trên Facebook của anh Nguyễn Nhật H., ở TP Bến Tre. Qua điện thoại, anh cho biết suốt thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, anh nôn nóng muốn về thăm má ở quê. Nay dịch bệnh đã giảm, Bến Tre đã áp dụng Chỉ thị 15 nên anh có thể về huyện Mỏ Cày Nam để thăm gia đình. Cùng tâm trạng đó, ông Nguyễn Thanh Sơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) phấn khởi: “Tôi có cơ sở sản xuất cây giống, nhưng vì giãn cách xã hội nên phải dừng lại. Nay Bến Tre trở thành vùng xanh nên tôi đã gọi công nhân đến vườn làm việc. Với tình hình thuận lợi này, hy vọng trong thời gian tới, vườn tôi sẽ đáp ứng được số lượng 300.000 cây mít giống các loại để cung ứng cho khách hàng”. 

Tín hiệu vui từ vùng xanh  ảnh 1 Đường phố Hà Nội đông đúc sau khi bỏ giấy đi đường. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Từ 0 giờ ngày 21-9, toàn tỉnh Long An chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng trước đó, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện để khôi phục sản xuất. Theo ghi nhận, thời gian qua, Công ty TNHH Avery Dennison RIS Việt Nam (huyện Cần Giuộc) đã đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hiệu quả. Hiện, công ty này tiếp tục đăng ký thực hiện thêm phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.  Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Công ty TNHH Avery Dennison RIS Việt Nam, cho biết, dự kiến sẽ có 800 công nhân trở lại làm việc. Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu công ty chỉ sử dụng những lao động đã được tiêm vaccine và phải qua xét nghiệm. Chúng tôi sẽ chấp hành tốt các quy định, hy vọng thời gian tới công ty từng bước phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới”, ông Tuấn nói.   

Tại Sóc Trăng, địa phương áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 16-9, anh Hồ Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành, một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng, cho biết: “Việc thiết lập bình thường mới là một tin vui không chỉ đối với công ty mà còn là cả cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sản xuất dần được ổn định, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn nhiều”. 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đã có 4/8 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận vùng xanh là: Côn Đảo, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Châu Đức. Đặc biệt, vừa qua, 2 huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã mở cửa biển cho phép đánh bắt thủy hải sản khiến ngư dân rất vui mừng, phấn khởi. Tỉnh cũng đã cho phép 4 cơ sở du lịch ở các huyện vùng xanh mở cửa trở lại, nhưng với điều kiện hết sức nghiêm ngặt như: du khách phải tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần trong thời gian nghỉ dưỡng và nhiều quy định khác (như chỉ được đi lại trong khuôn viên của khu du lịch...).

Tại Tây Ninh, địa phương kiểm soát dịch tốt nhất trong khu vực Đông Nam bộ, việc lưu thông, sản xuất, kinh doanh được tỉnh xây dựng kịch bản tương đối phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn. Hiện Tây Ninh đang thực hiện tốt phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Nới lỏng các biện pháp lưu thông

Theo ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP, có nhiều người lao động tại các khu công nghiệp ở Long An sống tại TPHCM. Vì vậy, chính quyền tỉnh Long An đã thống nhất một số phương án nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc. Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An yêu cầu việc tổ chức thực hiện cho người lao động di chuyển giữa 2 địa phương phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Doanh nghiệp phải tập kết người lao động tại một điểm cố định và có sự giám sát của chính quyền địa phương; cam kết bảo đảm nguyên tắc 5K; phải đăng ký số phương tiện, tài xế, cung đường, có sơ đồ bố trí chỗ ngồi; các phương tiện không được dừng, đỗ để người trên xe tiếp xúc với người khác dọc đường. 

Tín hiệu vui từ vùng xanh  ảnh 2Người dân đi mua thực phẩm ngày đầu áp dụng thẻ xanh thay giấy đi đường ở Long An. Ảnh: NGỌC PHÚC
Cũng tại Long An, từ ngày 21-9 sẽ áp dụng “thẻ xanh” và “thẻ vàng” Covid-19 dưới dạng điện tử của các ứng dụng Bluezone hoặc Sổ sức khỏe điện tử được cài đặt trực tiếp trên điện thoại thông minh hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 nhằm thay thế giấy đi đường. 

Tại Bình Dương, sau ngày 15-9, các trường hợp có giấy xác nhận âm tính, hay ra ngoài mua lương thực thực phẩm ở các địa điểm vùng xanh được lực lượng trực chốt tạo điều kiện. 

Tại Đồng Nai, Xuân Lộc được xác định là vùng xanh nên từ 0 giờ ngày 20-9, huyện này đã chính thức trở lại trạng thái bình thường mới theo kế hoạch 11102/KH-UBND của tỉnh Đồng Nai nhằm từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trong những ngày này ở huyện Xuân Lộc, lưu lượng người dân qua lại trên đường khá đông, một số hàng quán thiết yếu bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng vẫn còn nhiều hàng quán chưa mở cửa. Nhìn chung, tâm trạng người dân khá hồ hởi. 

Chị Nguyễn Thị Dung, chủ quán phở ngụ khu phố 4, thị trấn Gia Ray, cho biết, quán nghỉ bán 2 tháng nay, khi nghe nới rộng giãn cách xã hội, gia đình rất vui và mở quán bán thức ăn mang về. Khách hàng đến mua cũng được đề nghị thực hiện đúng 5K để phòng chống dịch.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, sau 2 tháng 11 ngày thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của cả doanh nghiệp, bộ máy chính quyền và người dân. Tỉnh Đồng Nai cho phép mở cửa vùng xanh, tiếp tục kiểm soát vùng đỏ, cam, vàng để xanh hóa địa bàn. Hiện Đồng Nai có 103/170 xã, phường, thị trấn được công nhận là vùng xanh. Những địa bàn vùng xanh sẽ hạn chế bớt các chốt chặn kiểm soát, người dân được phép đi lại trong địa phận xã, thị trấn của mình ở. Các trường hợp người dân muốn di chuyển qua địa bàn khác, phải có giấy đi đường theo quy định.

 

Hà Nội dần trở lại nhịp sống bình thường mới

Ngày 21-9, theo Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, nhiều hoạt động về kinh tế, xã hội trên địa bàn đã khởi động trở lại. 

Theo Chỉ thị 22/CT-UBND, TP Hà Nội không áp dụng quy định phân vùng; không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố; tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào Hà Nội và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép mở lại nhiều hoạt động về dịch vụ, sản xuất để phục vụ đời sống nhân dân; cho hoạt động các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…

Ghi nhận của phóng viên, ngay từ đầu giờ sáng 21-9, nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Nguyễn Lương Bằng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt… đã đông đúc phương tiện đi lại hơn. Trong khi đó, ở nhiều khu dân cư, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng vẫn duy trì các chốt trực kiểm soát dịch bệnh nhằm nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch. Cùng với đó, tại bộ phận một cửa của nhiều quận huyện, xã phường bắt đầu tổ chức tiếp nhận hồ sơ hành chính của người dân đến giao dịch và phần lớn đều được tiếp nhận giải quyết nhanh gọn.

Nhịp sống bình thường mới đã dần trở lại trên toàn địa bàn thành phố khi nhiều cửa hàng ăn uống, cắt tóc gội đầu, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được mở lại, lượng khách ra vào khá nhộn nhịp. Cùng ngày, các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cũng ghi nhận lượng phương tiện đi đăng kiểm tăng rất cao. Trong đó, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, nhiều phương tiện đã bị quá hạn đăng kiểm nhiều ngày. Mặc dù các trung tâm đăng kiểm đã hoạt động hết công suất các dây chuyền kiểm định, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ.

Long An áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg từ ngày 21-9

Long An thống nhất chủ trương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 21-9. Đối với 10 huyện vùng xanh, giao UBND huyện quyết định mở hay tiếp tục đóng các chợ truyền thống. 

Tiền Giang chỉ còn 1 huyện áp dụng Chỉ thị 16

Từ ngày 21-9, tỉnh Tiền Giang chỉ còn huyện Châu Thành tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến hết ngày 25-9. Sau ngày 25-9, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ quyết định việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.

Bến Tre: 9 huyện, thành phố đạt mức bình thường mới

Từ ngày 21-9, Bến Tre sẽ áp dụng Chỉ thị 15 toàn tỉnh. Sắp tới, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức đón người dân từ các điểm nóng dịch Covid-19 về quê theo kế hoạch, trong đó chú trọng đón trước các đối tượng là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. 

Đồng Nai thử nghiệm nới lỏng vùng xanh trong 10 ngày

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 20-9, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo tiêu chí vùng xanh, đỏ, cam, vàng và tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19. Trước mắt, Đồng Nai nới lỏng vùng xanh theo đơn vị cấp xã. 

Bình Dương từng bước nới lỏng giãn cách

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bình Dương, trong nhiều ngày gần đây, số ca nhiễm có xu hướng giảm (gần 3.000 ca/ngày). Bình Dương đang từng bước nới lỏng giãn cách tại các địa phương được công bố vùng xanh, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo phương châm không chủ quan, nóng vội. 
 


         NHÓM PV 

Nguồn