Tiểu thương chợ truyền thống ngại bán online

20/06/2024 20:03

Hầu hết tiểu thương đều ít nhiều biết về bán hàng online nhưng ngại thay đổi

Cuối năm 2023, trong khuôn khổ Sự kiện Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023, thành phố đã mời 100 KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) livestream bán hàng cùng tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1) từ ngày 14 đến 16-12.

Không hiệu quả và rắc rối

Trước khi sự kiện chính thức diễn ra, đội ngũ TikTok Shop cùng với 40 sinh viên từ các trường đại học tại TP HCM đã đến chợ Bến Thành và chợ An Đông (quận 5) hướng dẫn tiểu thương cách bán hàng online. Nhiều tiểu thương dù lớn tuổi nhưng vẫn rất tích cực học hỏi, mong muốn được thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu.

Theo thống kê của nền tảng TikTok, trong 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành từ ngày 11 đến tối 15-12-2023, đã có hơn 18.200 đơn hàng được bán, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng. Nhiều quầy hàng của tiểu thương, đặc biệt là sạp bán nông sản, đồ ăn vặt đã "cháy hàng" sau vài phiên livestream.

Tuy vậy, sau 6 tháng diễn ra chương trình, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình hình buôn bán ở các chợ Bến Thành, An Đông không có nhiều thay đổi. Tiểu thương vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống, ngồi trò chuyện, lướt điện thoại, thỉnh thoảng chào mời khi có khách hàng đi ngang. Gần như không có tiểu thương nào livestream bán hàng hay đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh như được hướng dẫn.

Đang bài trí hàng hóa trên kệ, ông Phan Lâm Sơn, chủ sạp bán áo dài, đồ mỹ nghệ ở chợ Bến Thành, cho biết sau sự kiện livestream năm ngoái, ông không áp dụng phương thức bán hàng này vì thấy sản phẩm không phù hợp và khoản đầu tư để bán online không tương xứng với quy mô cửa hàng. 

"Dù thế nào thì tôi cũng không bán online vì biết chắc sẽ không bán được. Hàng hóa đang kinh doanh tại sạp của tôi hiện nay phần lớn là tranh, đồ lưu niệm giá trị cao để bán cho du khách. Họ đến xem tận mắt, sờ tận tay còn chưa mua, làm sao đưa lên mạng được" - ông Sơn nói.

Tiểu thương bán áo dài tại chợ Bến Thành không muốn bán online dù kinh doanh ế ẩm Ảnh: LÊ TỈNH

Tiểu thương bán áo dài tại chợ Bến Thành không muốn bán online dù kinh doanh ế ẩm Ảnh: LÊ TỈNH

Cách đó không xa, bà Phan Thị Lài, một tiểu thương trước đó tham gia phiên livestream bán áo dài, cũng không ứng dụng được gì sau sự kiện do "không có thời gian, không am hiểu về thuế, cách thức thực hiện và chi phí đầu tư khá lớn".

Một lý do nữa khiến bà không muốn bán hàng online là thiếu tự tin vì không thể xử lý cùng lúc nhiều thứ. "Đang livestream bán hàng mà khách đến sạp hỏi giá hoặc đổi hàng thì phải làm thế nào, không lẽ ngừng livestream? Rồi bán hàng trên livestream một giá, ở ngoài lại giá khác, làm sao bán được. Vậy nên tôi thà bán tại chỗ cho khỏe mặc dù có phần ế ẩm, còn bán online khi nào thích hợp sẽ tính" - bà Lài nói.

Tại chợ An Đông, một nhân viên bán hàng cho hay ban quản lý chợ từng triển khai cho tiểu thương bán hàng online và bán qua livestream được nhiều sạp hưởng ứng do thấy mới lạ. Tuy nhiên, sau đó không còn ai bán theo kiểu này nữa do không hiệu quả mà lại rất tốn thời gian.

Giải pháp nào hiệu quả?

Bình luận về việc tiểu thương chợ truyền thống khó thích nghi với việc bán hàng online, đặc biệt là bán qua livestream đang rất phổ biến hiện nay, ông Nguyễn Tùng Giang, nhà sáng lập G Investment Group - đơn vị bán hàng lâu năm trên sàn TMĐT, cho rằng bán hàng trực tiếp và trực tuyến rất khác nhau về cách thức vận hành, quản lý chi phí, kỹ năng bán hàng… nên để hòa hợp nhau là điều rất khó. Thêm nữa, khi bán hàng trên sàn TMĐT, nền tảng sẽ dùng thuật toán đề xuất giá thấp nhất để tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng, trong khi giá bán của tiểu thương tại chợ đắt hơn do phải gánh chi phí mặt bằng, nhân sự và các chi phí khác.

Ngoài ra, tiểu thương ở các chợ hiện nay đa phần đã có tuổi, khiến họ khó tiếp cận những kiến thức mới. Vì vậy, nhiều tiểu thương không thể và không muốn kinh doanh online là điều dễ hiểu. "Nếu có thế hệ tiếp nối, họ cần được đào tạo về những xu hướng bán hàng mới, đồng thời cơ cấu lại những sản phẩm phù hợp để bán trực tuyến" - ông Giang đề xuất.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng Tổng hợp, Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết để kinh doanh online hiệu quả, tiểu thương cần phải được đào tạo, tập huấn thường xuyên. 

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để tiểu thương tiếp xúc với những KOL nổi tiếng hoặc các nhà bán hàng online thành công để họ nhận thức rằng dù kỹ thuật dựng hình và sáng tạo nội dung không tốt nhưng sản phẩm vẫn bán chạy nhờ chất lượng và giá cả hợp lý. Từ đó, tiểu thương sẽ có động lực học tập và làm theo, bắt kịp xu hướng thị trường.

Theo TS Lê Thị Hải Yến, Trưởng bộ môn Marketing Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), để hỗ trợ tiểu thương kinh doanh online cần phân loại họ thành nhiều nhóm, từ đó có những chính sách, hướng tiếp cận riêng biệt với từng nhóm nhằm tăng tính hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo bà Yến, dù xu thế hiện nay là mua sắm online nhưng vẫn còn một số bộ phận người dân đến chợ mua hàng hằng ngày do thói quen, văn hóa và nhu cầu tương tác giữa người mua và người bán. 

"Vì vậy, các khu chợ truyền thống cần tập trung cải thiện những vấn đề chưa tốt hiện nay như vệ sinh, giao thông, tổ chức sắp xếp các gian hàng phù hợp… giúp duy trì "tệp" khách hàng hiện hữu và tăng giá trị của chợ truyền thống" - bà Yến đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết sở vừa có cuộc khảo sát và làm việc với một số chợ loại 1, loại 2 trên địa bàn, như chợ An Đông, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10)… để phối hợp triển khai thí điểm mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn do các chợ không bố trí được mặt bằng hoặc có mặt bằng nhưng vướng mắc trong cơ chế, thủ tục pháp lý để cải tạo, sử dụng vào chương trình. Chưa kể, một bộ phận tiểu thương chưa hình dung ra các hoạt động của chương trình nên chưa thật sự quan tâm. 

"Hầu hết tiểu thương đều ít nhiều biết về bán hàng online nhưng để thực hiện được, họ cần được đào tạo, hướng dẫn một cách bài bản. Sở đang nỗ lực phối hợp cùng ban quản lý các chợ tìm cách gỡ vướng để hỗ trợ tiểu thương bán hàng trên không gian mạng một cách hiệu quả nhất" - đại diện Sở Công Thương thông tin thêm. 

Tiểu thương chợ An Đông đóng cửa hàng loạt

Liên quan tới chợ An Đông, ngày 19-6, hàng loạt sạp hàng tại chợ này bất ngờ đóng cửa, tạm ngưng bán hàng. Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, cho biết các sạp ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc 2 ngành hàng quần áo may sẵn và kinh doanh vàng.

Trong ngày, Ban Quản lý chợ đã tổ chức gặp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương. Theo ông Ngọc, từ tháng 5 đến nay, Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT TP HCM) thường xuyên đến chợ kiểm tra, xử phạt các vi phạm khiến tiểu thương lo lắng. Gần đây nhất, ngày 13, 14 và 18-6, lực lượng QLTT kiểm tra các hộ kinh doanh quần áo may sẵn và phát hiện nhiều vi phạm về hóa đơn đầu vào, cách thức ghi hóa đơn...

Các tiểu thương ngành hàng này cho biết trước giờ họ vẫn mua vải, thuê người may đồ để bán, cả khâu mua và bán đều không có hóa đơn. "Áo dài phải có kết cườm, thêu, vẽ... Lực lượng kiểm tra đòi hỏi xuất xứ cườm, hóa đơn gia công may, thêu, vẽ..., tụi tui chịu chết chứ gia công số lượng ít, chỉ trả tiền, nhận hàng đâu có hóa đơn chứng từ gì" - bà Trần Thị Hiệp, chủ sạp kinh doanh mặt hàng áo dài, cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hùng, kinh doanh vàng, lo lắng về quy định kinh doanh vàng buộc phải có hóa đơn điện tử đầu vào trong khi với đặc thù của ngành này trước giờ rất khó để có hóa đơn điện tử đầu vào. "Chúng tôi rất mong ban quản lý chợ mời đại diện cơ quan QLTT xuống chợ gặp gỡ, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cho tiểu thương kinh doanh đúng quy định của nhà nước" - ông Hùng bày tỏ.

T.Nhân