Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, việc mua hàng qua mạng đã trở nên cấp thiết hơn do người tiêu dùng tránh tới nơi đông người nhằm bảo vệ sức khỏe. Ghi nhận của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki hay Shopee cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước đây.
|
Đơn hàng của Tiki tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020. Ảnh minh họa |
Chẳng hạn trang mua sắm Tiki, ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái thì sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém trong 2 tháng đầu năm nay.
Với trang thương mại điện tử Shopee, dù không tiết lộ cụ thể tỷ lệ tăng trưởng đơn hàng trong 3 tháng đầu năm 2020, nhưng ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành của Shopee Việt Nam khẳng định: Lượt truy cập và khối lượng giao dịch trên Shopee có tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, lượng người mua không chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà đến từ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Về sản phẩm được mua nhiều, theo ông Tuấn Anh, sức mua các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe có xu hướng gia tăng, cụ thể như các sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm khử trùng.
Dù mới chú trọng kênh mua sắm online trong thời gian gần đây nhưng Saigon Co.op cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đại diện của nhà bán lẻ này, chỉ tính từ ngày 16 tới hết ngày 31/3, Saigon Co.op đã ghi nhận 10.000 đơn hàng online từ người tiêu dùng thông qua ứng dụng Zalo Viber. Một điểm đáng chú ý là các đơn hàng tập trung chủ yếu vào nhu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt…; trong đó có đơn hàng giá trị cao nhất lên tới 10 triệu đồng.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang có tác động tích cực đến lĩnh vực mua sắm qua kênh thương mại điện tử của người Việt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự tăng trưởng nhất thời trong dịch bệnh do người tiêu dùng hạn chế mua trực tiếp để tránh sự lây lan của dịch bệnh. Ngay cả những doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận khó có thể đưa ra dự đoán chính xác trong việc xác định tốc độ tăng trưởng này có được duy trì sau mùa dịch hay không.
Mặc dù vậy, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy thói quen mua sắm của người Việt đang dần thay đổi, thích ứng với xu hướng của thế giới. Chính vì thế, các nhà kinh doanh thương mại điện tử cho biết đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sự tăng trưởng như thời gian qua. Những giải pháp này gồm: Đa dạng hóa sản phẩm trên sàn; cam kết đảm bảo nguồn cung của sản phẩm ổn định; làm việc chặt chẽ với các thương hiệu, nhà cung cấp, đại lý có uy tín để mang đến những sản phẩm chất lượng; luân phiên thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh cho nhiều sản phẩm…
Đơn cử như Shopee, theo ông Tuấn Anh, đơn vị này đã làm việc với những thương hiệu hàng đầu như P&G, Unilever, Frieslandcampina, Abbott, Nestle, Vifon,... nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ổn định để phục vụ kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài những giải pháp trên, việc chú trọng vào các chương trình miễn phí vận chuyển và ưu đãi mua sắm hấp dẫn cũng là tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm. Do đó, các sàn thương mại điện tử cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những dịch vụ cộng thêm này trên phạm vi toàn quốc để thu hút khách hàng.
Có thể thấy, với những tiện ích và các dịch vụ gia tăng kèm theo mà doanh nghiệp thương mại điện tử mang tới cho người tiêu dùng, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng lĩnh vực này sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Cụ thể, trong một dự báo gần đây, Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData cho rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 9,4 tỷ USD của năm 2019.
Mai Ca