Tại Hội thảo “Công nghệ và vật liệu đột phá trong ngành xây dựng thời kỳ hậu Covid-19” diễn ra vào chiều 25/11 tại Hà Nội, Ths. Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nhận định, ngành vật liệu xây dựng năm 2020 ghi nhận kết quả khả quan. Tình hình tiêu thụ một số sản phẩm vật liệu xây dựng với các chỉ tiêu thống kê đạt được đến 31/10/2020 cụ thể: lượng xi mặng tiêu thụ đạt 74 triệu tấn, kính xây dựng đặt 141 triệu m2, đá ốp lát đạt 452 triệu m2...
Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, với việc kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam được dự báo là tăng trưởng dương. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm.
Ths. Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo.
Với ngành vật liệu xây dựng, dù chịu tác động của Covid-19 nhưng kết quả kinh doanh ghi nhận đạt được con số khả quan. Tất cả các sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn đang sản xuất ổn định, dù năng suất và sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đa phần đều tăng trưởng dương. Riêng xi măng không chỉ đạt được mục tiêu sản xuất trong nước mà tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài.
Dự báo về ngành vật liệu xây dựng năm 2021, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng: "Thị trường bất động sản được đánh giá là có nhiều tín hiệu tích cực trong năm tới. Đây là cơ hội để lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục phát triển mạnh".
Cũng tại hội thảo, Ths. Phạm Văn Bắc đã giới thiệu về “Chiến lược Phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”. Theo đó, yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành Vật liệu xây dựng phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành vật liệu xây dựng; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chiến lược xác định, gắn phát triển vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của vật liệu xây dựng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đánh giá về vai trò định hướng của Chiến lược phát triển, ông Bắc nhấn mạnh, đây sẽ trở thành bệ đỡ hành lang chính sách thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng. Với định hướng rõ ràng, sự hỗ trợ thiết thực, ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng tốc.