Những thay đổi chính sách mạnh mẽ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Trump, đặc biệt là về thương mại, thuế quan và bãi bỏ quy định, đã tạo nên sự biến động đáng kể trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, theo Cushman & Wakefield, bất chấp những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nền kinh tế và thị trường bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn thể hiện sự kiên cường, nhờ vào các động lực nội tại và các yếu tố cơ bản vững mạnh.
Tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, dòng vốn đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là nền tảng cho sức chống chịu bền bỉ và triển vọng tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản trong khu vực. Mặc dù những giai đoạn biến động thường làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, thế nhưng các yếu tố nền tảng vững chắc của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang giúp giảm thiểu tác động.
Dự báo tình hình trong thời gian tới, đại diện Cushman & Wakefield chỉ ra các tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu đến khu vực Thái Bình Dương.
Thứ nhất, triển vọng tăng trưởng chậm lại: Rủi ro suy thoái gia tăng tại Hoa Kỳ cùng với tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát cao cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại vào năm 2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Hoa Kỳ được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2026, điều này có thể tạo ra động lực tích cực cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tương lai.
Thứ hai, gián đoạn thương mại: Trong bối cảnh thuế quan thay đổi và các cuộc chiến thương mại tiềm ẩn, các ngành sản xuất xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện tại đang mang lại lợi ích cho các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Á và Ấn Độ, ngay cả khi căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn. Các nhà sản xuất sẽ tiếp tục xem xét lại thiết kế chuỗi cung ứng của họ và tìm kiếm thêm cơ hội để tối ưu hóa.
Thứ ba, sự bền bỉ của bất động sản: Nhu cầu bất động sản thương mại đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự ổn định. Các giao dịch thuê văn phòng tiếp tục diễn ra tại các thị trường chủ chốt như Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Trong quý 1/ 2025, diện tích văn phòng được hấp thụ mới trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt khoảng 26 triệu feet vuông, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/ 2024 đạt khoảng 22 triệu feet vuông).
Thứ tư, dòng vốn toàn cầu: Sức mạnh của đồng đô la Mỹ và hiệu suất đầu tư hấp dẫn đang thúc đẩy dòng vốn toàn cầu đổ vào thị trường bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là các tài sản ổn định như logistics, trung tâm dữ liệu và nhà ở.
"Mặc dù nguy cơ rủi ro tiếp đà tăng, nhưng nhìn lại các xu hướng diễn biến trong lịch sử cho thấy khi bức tranh kinh tế toàn cầu trở nên rõ ràng hơn, thị trường bất động sản cũng đã nhanh chóng phục hồi. Vì vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương cần điều chỉnh chiến lược linh hoạt và nhanh chóng tận dụng khoảng thời điểm phục hồi diễn ra", đại diện Cushman & Wakefield nhấn mạnh.