Theo Chương trình GDPT 2018, dạy học tích hợp, liên môn xuất phát từ yêu cầu của mục tiêu bài học phát triển năng lực học sinh. Thông qua, việc dạy tích hợp giúp học sinh hiểu rõ ngữ cảnh học tập, từ đó tăng sự tương tác cảm xúc trong việc học và với thế giới xung quanh. Các thầy cô từ vai trò đơn thuần là người cung cấp kiến thức đã trở thành người điều phối, hỗ trợ quá trình học tập cho học sinh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đào Ngọc Hùng – Tổng chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lý bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá nếu trước kia Chương trình GDPT 2006 với mục tiêu tập chung vào giúp cho học đạt được các chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ. Thì đến Chương trình GDPT 2018 được xây dựng với mục tiêu hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Ngoài ra đối với cụ thể nội dung địa lý trong cấp tiểu học và THCS, tại chương trình mới, chúng ta đã chuyển từ coi địa lý là một môn học, sang coi địa lý là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý.
Đáp ứng yêu cầu mới, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ Kết nối tri thức cũng đã có nhiều thay đổi.
"Đổi mới từ quan điểm biên soạn, cách tiếp cận, phương pháp biên soạn, cấu trúc và nội dung và hình thức là những gì mà đội ngũ biên soạn đã thực hiện", ông Đào Ngọc Hùng bày tỏ.
Về nội dung, bộ sách này cũng đưa ra nhiều câu hỏi với mục đích "kết nối tri thức", giúp học sinh phát triển được năng lực đặc thù quan trọng nhất, vận dụng kiến thức kỹ năng đã học.
Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ nội dung địa lý và lịch sử với nhau. Ví dụ, tại chủ đề Tây Nguyên trong sách Lịch sử và Địa lý 4, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, qua việc học sinh tìm hiểu về thiên nhiên của vùng Tây Nguyên, sẽ giúp các em giải thích được các vấn đề địa lý kinh tế-xã hội của Tây Nguyên. Đây chính là nền tảng tạo nên đặc điểm lịch sử của Tây Nguyên được thể hiện qua một số nét văn hoá, lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên.
Ở đây, để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới đối với môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, đặc biệt với học phần môn Địa lý, PGS.TS Đào Ngọc Hùng lưu ý các thầy cô giáo cần đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện hiện đại, tích cực liên hệ liên môn.
"Giáo viên cần chú trọng phát triển năng lực học sinh thay vì truyền thụ kiến thức thụ động, khi tổ chức các hoạt động dạy học cần xác định hoạt động đấy phát triển được năng lực, phẩm chất nào. Đồng thời, không so sánh thành tích của các học sinh với nhau mà quan tâm đến sự phát triển của cá nhân. Phân bổ thời lượng hợp lý giữa phân môn Lịch sử và địa lý", Đào Ngọc Hùng cho hay.
Điều quan trọng nhất khi nhất cần phải thực hiện khi giảng dạy tích hợp các môn Khoa học xã hội là đảm bảo tính kết nối và cân bằng giữa các môn học. Xác định được vai trò của các đặc điểm địa lý đến các sự kiện lịch sử, hoặc minh chứng cho đặc điểm địa lý thông qua các nội dung lịch sử.
Các bài học trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chú ý đến phát triển năng lực của học sinh thông qua các hệ thống các câu hỏi, yêu cầu là gợi ý để tổ chức hoạt động cho học sinh như: nhận xét, phân tích các thông tin hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ… để tự rút ra những kiến thức cần thiết.
Học sinh được tìm hiểu thực tế địa phương, đất nước, vận dụng kiến thức đã học để giải thích các hiện tượng địa lí diễn ra xung quanh, trên cơ sở đó hình thành ý thức, trách nhiệm và tình yêu quê hương, thiên nhiên.