Kể lại câu chuyện về lần đầu tiên đầu tư mà chị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không giấu khỏi sự bức xúc khi thất bại trong pha mua cọc, lướt sóng vì quá tin tưởng môi giới.
"Thấy bạn bè ai cũng đầu tư đất giàu lên nhanh chóng, tôi cũng ham hố. Nghĩ mình phải thử đầu tư một lần, kiếm tiền xem. Lại đợt sau Tết, đất sốt phi mã nên tôi cứ nghĩ ở miền Bắc, dịch kiểm soát cơ bản, đất chắc chắn lại sốt" – chị Trang kể.
Nghe lời môi giới tư vấn, chị Trang mạnh dạn cọc 50 triệu đồng cho một dự án tại Bắc Giang. Dù chưa trực tiếp đến tận nơi xem nhưng qua hình ảnh giới thiệu video, chị Trang cảm thấy rất ưng lô đất.
"Nghe môi giới tư vấn, bảo đất sốt lắm. Giá trước đấy có 24 triệu đồng/m2, giờ lên 28 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư ra hàng đợt nào, hết sạch đợt đó. Khách cọc tiền cho sàn mà còn không lấy được đất. Rồi môi giới cho tôi xem tin nhắn chốt lô đất hôm mở bán. Thực tình, tôi thấy đông người mua thật. Môi giới nói hiện tại chỉ có thể mua lại cọc từ chủ đất khác. Giá thị trường là 28 triệu đồng/m2, nhưng tôi có thể mua với giá 26,5 triệu đồng/m2 vì đây là suất ngoại giao. Nghĩ rẻ hơn được 1,5 giá nên tôi cũng tham giàu, nên xuống tiền cọc 50 triệu đồng. Giấy tờ cọc tiền là viết tay với môi giới".
Cứ tưởng sẽ sớm chốt hạ tiền chênh đến trăm triệu nhưng đến ngày hết hạn cọc tiền, mảnh đất mà chị cọc tiền vẫn chưa tìm được người chốt.
Nói chuyện với môi giới bán sản phẩm, chị Trang nhận lại được câu trả lời từ môi giới: "Tình hình dịch bệnh như hiện tại, thị trường xuống, em cũng không lường trước được". Môi giới còn tư vấn cho chị Trang, tiếp tục vào hết tiền, đợi cuối năm, dịch hết, đất chắc chắn tăng.
"Tôi không thể vào tiền được nữa, chấp nhận mất cọc. Vì nếu vào tiền thời điểm này, tôi không đủ sức chạy vốn đến hơn 2 tỷ đồng. Lúc nghe môi giới kể, tôi thấy sao thị trường nhộn nhịp thế. Đến lúc bán, tôi lại thấy thị trường im lặng như tờ" – chị Trang nói.
Cũng như chị Trang, chị N. vừa xác định mất 100 triệu tiền cọc đất cho dự án cách Hà Nội 50km khi ngày hết hạn vào tiền đến gần.
Theo chị N. đến hiện tại, thông tin dịch bệnh bùng phát, Hà Nội và các tỉnh khác siết chặt việc đi lại, dự án rơi vào tình trạng "đóng băng".
"Sắp đến ngày hết hạn đặt cọc mà tôi vẫn chưa bán lại cọc cho ai. Không một ai thấy hỏi lại mua lô đất này. Hôm vừa rồi tôi mới tìm hiểu ra, hóa ra tôi cũng mua đắt. Người ta rao rất nhiều trên thị trường với mức giá còn thấp hơn của tôi 1,5 giá" – Chị N kể.
Thực tế không ít những trường hợp như chị Trang, chị N, những nhà đầu tư F0 chập chững bước vào thị trường. Họ sẵn sàng đầu tư theo lời tư vấn của môi giới mà bỏ qua khâu tìm hiểu thông tin về dự án hay giá cả trên thị trường. Thế nên, nhiều nhà đầu tư cọc tiền, chấp nhận "mua cọc của cọc". Họ còn sẵn sàng xuống tiền mà không cần làm việc trực tiếp với chủ đất, chỉ cần thông qua môi giới.
Vì là nhà đầu tư mới, kinh nghiệm non nớt cộng với tâm lý "ham làm giàu nhanh" nên họ xuống tiền vội vã mà không quan tâm đến yếu tố pháp lý trong bàn giao tiền cọc, dễ dàng bị bủa vây bởi thông tin "sốt" trên thị trường.
Theo luật sư Lê Văn Hồi, Gíam đốc công ty Luật My Way, tình trạng "mua cọc của cọc" không phải ít. "Tôt từng gặp một vài vụ này với muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, với hình thức này, rủi ro sẽ thuộc về người mua cuối cùng. Khi chưa có xác nhận của chủ đầu tư về việc chuyển nhượng văn bản/chuyển nhượng hợp đồng thì sau này bắt buộc họ phải nhờ người mua đầu tiên với chủ đầu tư ký lại văn bản chuyển nhượng để có thể vào tên hợp đồng. Trường hợp người mua đầu tiên gây khó dễ, không đồng ý ký kết thì có thể dẫn đến tranh chấp, chưa thể vào tên được"- luật sư Hồi phân tích.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Nhật với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, lướt sóng cọc có lời là hình thức đầu tư rất mạo hiểm, không phù hợp với nhà đầu tư mới vào nghề, đặc biệt là không có vốn. Chắc chắn nếu thiếu kinh nghiệm và vốn, khả năng cao là họ mất cọc. Thực tế, nhà đầu tư thành công trong lướt sóng cọc rất ít và đa phần họ đều có vốn mạnh để đảm bảo chắc chắn nếu không chuyển nhượng thành công, họ sẵn sàng vào tiền.
"Đừng nghe lời quảng cáo môi giới về "sốt" dự án. Tất cả đều là chiêu bài quảng cáo khiến nhà đầu tư vội xuống tiền mà bỏ qua tất cả nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất" – ông Nhật khuyến cáo.