Thái Nguyên hiện thực hóa quy hoạch để phát triển du lịch

08/09/2023 20:30

(Chinhphu.vn) - Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, nhằm triển khai quy hoạch tỉnh với nhiều khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đã được Thủ tướng phê duyệt, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai 2 dự án sân golf.

Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf để thu hút du lịch

Trước đó, vào tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển du lịch theo hướng dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hoá, tâm linh. Theo quy hoạch này, Thái Nguyên sẽ phát triển các khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân golf.

13 sân golf này sẽ đặt tại TP. Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và các huyện Phú Bình, Đại Từ, Đông Hỷ. Hầu hết các sân golf được quy hoạch dựa trên nền tảng có hệ sinh thái tự nhiên, bám với sườn đông Tam Đảo, trục kết nối Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang với Thủ đô Hà Nội. Khu vực có hệ sinh thái đa dạng, địa hình đẹp, không khí trong lành, tiềm năng và dư địa đất phát triển du lịch nghỉ dưỡng còn lớn mới được khai mở.

Các sân golf được quy hoạch tại TP. Thái Nguyên gồm sân golf tại khu đô thị, văn hoá thể thao Nam Núi Cốc; sân golf tại khu tổ hợp thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Thái Nguyên. Tại TP. Phổ Yên có các dự án như sân golf tại khu đô thị sinh thái-thể thao Vạn Phái, sân golf tại khu đô thị, văn hoá thể thao Thành Công.

Quy hoạch cũng bao gồm sân golf tại khu bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc kết hợp du lịch văn hoá thể thao Đồng Hỷ (huyện Đồng Hỷ), sân golf tại khu đô thị sinh thái thể thao hồ Gềnh Chè tại thành phố Sông Công, sân golf tại khu đô thị sinh thái thể thao phường Châu Sơn (TP. Sông Công) có diện tích 309 ha.

UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay tỉnh cũng đã giao Sở VHTT&DL quan tâm nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đây đang là xu hướng phát triển hiện đại, thúc đẩy phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.

Xây dựng sân golf là một trong số các hoạt động trọng điểm hướng tới việc phát triển du lịch của Thái Nguyên. Hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch, bao gồm: Văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; sinh thái, nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn; hội nghị hội thảo, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm... từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.

Cùng với vị trí trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc và việc quy hoạch các tuyến giao thông trọng điểm, như đường vành đai V, đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, đường kết nối tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh... Thái Nguyên đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón du khách trong và ngoài nước đến với địa phương.

Ông Brian Curley và ông Lee Schmidt - hai kiến trúc sư sân golf của Mỹ có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhiều sân golf tại Việt Nam từng đánh giá: Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng đặc biệt có lợi thế địa hình cho việc phát triển sân golf, có nhiều khu vực dốc, địa hình thoai thoải cộng thêm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, rất thích hợp cho bộ môn thể thao này phát triển.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, trong thời gian gần đây, phong trào chơi golf đang phát triển mạnh mẽ, trở thành loại hình dịch vụ hấp dẫn, đem lại nguồn thu cao cho doanh nghiệp và địa phương. Việc quy hoạch các sân golf là rất cần thiết để đưa hoạt động của sân golf trở thành một phần của tổ hợp vui chơi, giải trí, đem lại hiệu quả cho địa phương. Sự phát triển của golf không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp về lợi nhuận, mà còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển về kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.

Minh Anh