Tạo cơ chế chủ động, thông thoáng, linh hoạt trong triển khai dự án đầu tư đường bộ

25/05/2023 05:30

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, giao thông đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh giao thương, vận chuyển... diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục.

Đến nay, qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại. Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn,... đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến cao tốc đi qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã bộc lộ những vướng mắc về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia trong các dự án PPP; thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương; các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước...

Theo đó, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013, các chiến lược, nghị quyết, phương hướng, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; áp dụng riêng cho đối tượng duy nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ với thời gian thí điểm là 3 năm; cơ chế xây dựng phải tạo được sự chủ động, thông thoáng, linh hoạt trong triển khai dự án đầu tư đường bộ; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cấp, từng ngành trong từng giai đoạn thực hiện và chuẩn bị dự án đầu tư.

Đồng thời, cấp có thẩm quyền liên quan chịu trách nhiệm về việc áp dụng các chính sách thí điểm trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả, lợi ích đạt được và hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thảo luận, cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết.

Theo đó, các đại biểu nhất trí cần thiết phải ban hành Nghị quyết, tuy nhiên cũng đề nghị cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng đường bộ tại quy định hiện hành. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết thành "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, chấp thuận về việc đầu tư thực hiện dự án..." và tiến hành rà soát các dự án đầu tư đang được thực hiện để quy định điều khoản chuyển tiếp cho phù hợp.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải nêu ý kiến về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, hiện nay dự thảo đang quy định đối với các dự án giao thông đường bộ đi qua các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án đi qua khu đô thị loại III trở lên, tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phòng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Để tăng hiệu quả huy động vốn tham gia dự án PPP, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất không giới hạn phạm vi dự án được áp dụng cơ chế trên.

Tổng hợp các ý kiến tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá các nội dung trong hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các thành viên Hội đồng. Về kỹ thuật soạn thảo, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát, thống nhất các từ ngữ được sử dụng trong Nghị quyết và cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 8 quy định về các trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội.

Đồng thời, bổ sung đánh giá các điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị quyết, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng và tiếp tục thực hiện lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.

LS