Tăng cường phòng cháy đối với nhà ở cho thuê

01/04/2025 08:30

Theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị 19), ngày 30-3 là hạn cuối mà các chủ nhà trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh phải hoàn thành các giải pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nếu không thì sẽ bị dừng hoạt động.

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ

Những ngày cuối tháng 3-2025, phóng viên Báo SGGP theo chân Tổ địa bàn quận 8, Công an TPHCM đến tuyên truyền kỹ năng PCCC và kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC tại nhiều nhà trọ trên địa bàn. Tổ địa bàn quận 8 đến một khu cho thuê nhà trọ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phong Phú (phường Xóm Củi, quận 8). Đây là khu nhà trọ được xây dựng từ năm 2009 với 6 phòng cho thuê, chủ yếu dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Khu nhà trọ khá lụp xụp với hệ thống dây điện lộ thiên chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.

Tăng cường phòng cháy đối với nhà ở cho thuê- Ảnh 1.

Bà Huỳnh Ngân Nữ (chủ khu nhà trọ) cho biết, bà đã trang bị tiêu lệnh, bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và làm hai lối thoát hiểm. Sau khi được tuyên truyền nội dung Chỉ thị 19 về tăng cường công tác PCCC và các buổi tập huấn, bà chuẩn bị mua thêm một số trang bị PCCC.

“Mỗi tháng tôi thu tiền thuê trọ chỉ hơn 10 triệu đồng. Chi phí trang bị phương tiện PCCC khá cao, nhưng tôi sẽ cố gắng đầu tư thêm để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về PCCC, nhất là để bảo vệ tính mạng cho người thuê trọ”, bà Nữ nói.

Cách đó không xa, tại khu nhà trọ May’s Home (phường Hưng Phú, quận 8, TPHCM) có 40 phòng trọ, tiền thuê 3,5-4 triệu đồng/phòng/tháng. Khu nhà trọ này trước đây đã bị đoàn kiểm tra chỉ ra các vi phạm về PCCC như thiếu giải pháp ngăn cháy lan giữa cầu thang và hành lang, chỗ để đèn chiếu sáng sự cố ở hầm gửi xe chưa phù hợp... Trong đợt cao điểm kiểm tra vừa qua, khu nhà trọ trên đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC.

Bà Trần Kỳ Gia Tâm (đang quản lý khu nhà trọ) cho hay, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại với chi phí cao, nhằm đảm bảo an toàn cho người thuê trọ và hạn chế rủi ro cháy nổ. Đồng thời, bà thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở và tắt các nguồn điện không cần thiết vào buổi tối; thông báo đến người thuê trọ thực hành thao tác sử dụng bình chữa cháy, không sử dụng bếp gas trong phòng, không dùng nhiều thiết bị điện cùng lúc.

Hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai tập trung hơn 203.000 căn nhà trọ, phần lớn được xây dựng từ nhiều năm trước, hiện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phòng trọ tại TP Thuận An, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) rộng từ 12-18m², không ít nhà trọ có vài chục phòng liền kề nhau. Số lượng người thuê trọ từ vài chục đến cả trăm người, nhưng nhiều nhà trọ có lối ra vào chỉ vừa một người di chuyển.

Tại một nhà trọ ở phường Bình Hòa (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có hơn 10 phòng trọ, chia làm 2 dãy phòng đối diện, mỗi phòng từ 2-5 người ở. Có đoạn, lối ra chỉ khoảng 0,8m. Anh Lê Xuân S. (38 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, gia đình anh có 4 người, thuê trọ tại đây đã gần 1 năm. Đến nay, khu nhà trọ chưa phát sinh cháy nổ. Tuy nhiên, nhà trọ chưa trang bị bình chữa cháy ở vị trí lộ thiên, thiếu đèn thoát hiểm, họng nước chữa cháy, không có lối thoát hiểm thứ hai...

Còn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 20.000 khu nhà trọ với tổng quy mô hơn 150.000 phòng, phục vụ nhu cầu cho hơn 450.000 người lao động. Các khu nhà trọ tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp ở TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Bà Nguyễn Thị Hân (chủ một khu nhà trọ tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa) cho hay, gia đình bà đã rà soát, mua sắm thêm các bình chữa cháy xách tay đặt trước các phòng trọ và nâng cấp hệ thống dây điện, lắp thêm các aptomat để ngăn sự cố quá tải điện. Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận vẫn còn nhiều nhà trọ tại khu vực này chưa có có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC...

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19, trên địa bàn TPHCM có hơn 53.000 cơ sở nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê. Qua kiểm tra, có hơn 14.000 cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC. Tất cả các cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC đều được cơ quan quản lý về PCCC kiến nghị khắc phục. Chủ cơ sở cũng ký cam kết, đề ra lộ trình khắc phục các tồn tại.

Sau khi có Chỉ thị 19, trên địa bàn TPHCM có hơn 57.000 cơ sở nhà trọ, nhà nhiều căn hộ, nhà ngăn phòng cho thuê. Công an TPHCM tiếp tục thực hiện phúc tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC khắc phục các vi phạm.

Đình chỉ hoạt động nếu nguy cơ cháy nổ cao

Theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, hết tháng 3-2025, các nhà trọ phải dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện PCCC. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC tại nhiều khu nhà trọ ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, còn tồn tại tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.

Thực tế cho thấy, việc chủ nhà trọ phải nâng cấp thiết bị PCCC, đảm bảo các yêu cầu về PCCC không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi cần kinh phí đầu tư lớn cùng sự hướng dẫn từ cơ quan chức năng. Do vậy, việc tăng cường kiểm tra, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động đối với các nhà trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng các điều kiện PCCC là rất cần thiết, để chủ động ngăn chặn các sự cố cháy nổ có thể xảy ra.

Tăng cường phòng cháy đối với nhà ở cho thuê- Ảnh 2.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH, Công an TPHCM), việc chủ nhà trọ chưa khắc phục vi phạm PCCC không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người thuê trọ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của chính họ. Sau ngày 30-3, lực lượng chức năng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê vi phạm PCCC. Mức phạt tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.

Cụ thể, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ cháy nổ cao, cơ quan chức năng có thể đình chỉ hoạt động. Thậm chí, trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, chủ nhà trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TPHCM, thông tin, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 19, Công an TPHCM đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở nhanh chóng khắc phục triệt để các vi phạm về PCCC trên địa bàn thành phố.

“Chúng tôi hiểu rằng, mỗi cơ sở kinh doanh lưu trú đều có đặc thù riêng. Nhiều chủ nhà trọ không thể khắc phục ngay lập tức các thiếu sót, tồn tại. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi chủ nhà trọ phải nhận thức sâu sắc rằng không thể xem nhẹ tính mạng và tài sản của người dân. Công an TPHCM sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động các nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, không đảm bảo các giải pháp PCCC sau ngày 30-3”, Đại tá Trần Văn Hiếu khẳng định.

Tại tỉnh Đồng Nai, UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, thực tập phương án chữa cháy, CNCH; tập trung kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các thiếu sót về PCCC. Trường hợp tại các nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh xảy ra vi phạm nghiêm trọng quy định thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

Tính đến ngày 28-3, số cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn TPHCM đã hoàn thành khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC là 11.362/15.995 cơ sở. Số cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC là 4.621/15.995 cơ sở. Các vi phạm chủ yếu là chưa tạo lối thoát nạn khẩn cấp (998 cơ sở); chưa thực hiện giải pháp ngăn cháy lan giữa khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực để ở và đường thoát nạn (2.462 cơ sở)...