Sau sáp nhập, lần đầu tiên tại Việt Nam có đường bay trong nội thành

03/07/2025 01:05

Đường bay này vào mùa cao điểm lúc nào cũng "cháy vé" chỉ sau thời gian ngắn mở bán.

Sau sáp nhập, lần đầu tiên tại Việt Nam có đường bay trong nội thành- Ảnh 1.

Đường bay nội thành TP.HCM

Sau khi sáp nhập TP.HCM với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới sẽ trở thành một siêu đô thị. Điều đáng nói là, việc sáp nhập này cũng ghi nhận điều chưa từng có khi lần đầu tiên tại Việt Nam có một đường bay nội thành.

Sân bay Côn Đảo nằm ở phía bắc đông bắc đảo Côn Sơn, cách TP. HCM 230km. Trước thời điểm sáp nhập ngày 1/7, tuyến bay TP.HCM – Côn Đảo được xem là đường bay liên tỉnh, kết nối TP.HCM với huyện đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau sáp nhập, TP.HCM mới có cả sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo đều nằm trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đường bay nội thành sau sáp nhập sẽ là TP HCM - Côn Đảo, kết nối cư dân, du khách từ đất liền tới một trong những thiên đường biển đảo phía Nam. Tân Sơn Nhất - Côn Đảo cũng trở thành tuyến bay trong cùng một thành phố duy nhất tại Việt Nam. Như vậy người dân có thể di chuyển trong TP HCM bằng đường hàng không.

Sau sáp nhập, lần đầu tiên tại Việt Nam có đường bay trong nội thành- Ảnh 2.

Trong tổng số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, hiện có 5 địa phương sở hữu hai sân bay thương mại. Cụ thể, TP.HCM có sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo; Đà Nẵng có sân bay Đà Nẵng và Chu Lai; Gia Lai có sân bay Phù Cát và Pleiku; Đắk Lắk có sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa; An Giang có sân bay Phú Quốc và Rạch Giá. Tuy nhiên, ngoại trừ TP.HCM thì các địa phương khác, không có đường bay nội tỉnh, thành phố, mà chỉ vận hành các tuyến đi tỉnh khác hoặc kết nối vùng và liên vùng, quốc tế.

Hiện tại, Vietnam Airlines (thông qua VASCO) và Vietjet là hai hãng đang khai thác tuyến bay này. Giá vé khứ hồi nằm trong khoảng 1,5 triệu - hơn 3,4 triệu đồng. Vào thời điểm cao điểm du lịch từ tháng 3 - 7, vé thường "cháy" chỉ sau thời gian ngắn mở bán.

Hành khách xuất phát từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - nơi hiện có ba nhà ga: T1 và T3 phục vụ nội địa, T2 dành cho các chuyến bay quốc tế có thể di chuyển đến sân bay Côn Đảo chỉ sau khoảng 1h bay.

Côn Đảo - Điểm đến lịch sử

Côn Đảo là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, nơi này không chỉ có đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà còn bởi chiều sâu lịch sử, với hệ thống di tích nhà tù nhuốm màu thời gian như Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo... Nơi đây là biểu tượng của tinh thần yêu nước của những người con đất Việt.

Sau sáp nhập, lần đầu tiên tại Việt Nam có đường bay trong nội thành- Ảnh 3.

Tượng mô phỏng cảnh tù nhân bị xiềng xích, đọa đày tại nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Báo Bình Phước

Trước thời điểm sáp nhập, theo thông tin từ Bảo tàng - Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đơn vị quản lý và khai thác di tích) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo đón hơn 100.000 lượt khách thăm viếng.

Hiện trung bình mỗi ngày Côn Đảo đón khoảng 2.500 - 3.500 du khách. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, chỉ trong 2 ngày là ngày 2/5 - 3/5, hơn 100 khách sạn trên địa bàn Côn Đảo đều kín khách, với gần 5.000 lượt khách lưu trú. Hiện, ngành du lịch Côn Đảo đóng góp chiếm tỷ trọng trên 90% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Côn Đảo đang được quy hoạch phát triển thành điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái biển đảo mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Nơi đây sẽ trở thành không gian bảo tồn các di tích lịch sử đặc biệt, góp phần tôn vinh và giáo dục truyền thống dân tộc, đồng thời gìn giữ hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đất ngập nước của quốc gia và quốc tế.

Trong thời gian tới, Côn Đảo sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh trên các kênh trong nước và quốc tế. Song song đó, địa phương sẽ thúc đẩy liên kết giữa Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo với các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh, cũng như với các điểm đến du lịch ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.