Sầu riêng Việt Nam hụt hơi trước Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, một quốc gia ĐNÁ âm thầm tăng tốc

23/04/2025 21:30

Sầu riêng Việt mất lợi thế tại Trung Quốc do ảnh hưởng bởi kiểm tra chất lượng, đặc biệt là với kim loại nặng và chất vàng O.

Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, quốc gia này chi hơn 120 triệu USD để nhập khẩu 22.980 tấn sầu riêng nguyên quả, giảm mạnh 56,8% về lượng và giảm 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là 4 nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc, tăng thêm một thị trường so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan.

Đáng nói, thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2025 đã giảm mạnh xuống còn 37%, so với mức 61,7% cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, Thái Lan đã giành lại thị phần đáng kể, từ 36,9% lên 62,3%, củng cố thêm vị thế dẫn đầu.

Sầu riêng Việt Nam hụt hơi trước Thái Lan tại thị trường Trung Quốc, một quốc gia ĐNÁ âm thầm tăng tốc- Ảnh 1.

Nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng của cả Thái Lan và Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do yêu cầu kiểm tra chất lượng từ Trung Quốc, đặc biệt là với kim loại nặng và chất vàng O.

Ngoài ra, sầu riêng của Việt Nam cũng nhận được những cảnh báo về gian lận mã số vùng trồng, không tuân thủ kiểm dịch thực vật và vấn đề an toàn thực phẩm từ cơ quan hải quan Trung Quốc.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã buộc phải tạm ngưng xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, do Trung Quốc yêu cầu kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu liên quan đến chất vàng O.

Không chỉ khắt khe, thời gian kiểm định kéo dài khiến hàng hóa bị tồn kho tại cửa khẩu. Có lô vượt qua kiểm tra nhưng khi tới chợ đầu mối Trung Quốc đã hư hỏng, nứt trái do thời gian chờ quá lâu. Đây là lý do các doanh nghiệp e ngại rủi ro và không dám xuất hàng số lượng lớn.

Hệ quả là giá sầu riêng trong nước giảm sâu. Hiện giá thu mua tại vườn cho các giống sầu riêng Ri6 và Monthong chỉ còn 35.000-120.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, vào cùng thời điểm nghịch vụ năm ngoái, giá sầu riêng có thời điểm chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, Malaysia đang cho thấy mình là một đối thủ đáng gờm. Xuất khẩu sầu riêng của quốc gia Đông Nam Á này sang Trung Quốc đã tăng vọt kể từ đầu năm đến nay nhờ nguồn cung ổn định và logistics được cải thiện.

Tính đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã tăng lên khoảng 169.000ha, sản lượng dự kiến đạt 1,55 triệu tấn. Ngoài tiêu thụ nội địa, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.

Đáng chú ý, thị trường sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định và được dự báo sẽ sớm đạt quy mô 10 tỷ USD. Quốc gia này hiện tiêu thụ khoảng 91% tổng lượng sầu riêng toàn cầu, với nguồn cung chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm thêm nguồn cung mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Nếu không được tháo gỡ các vướng mắc sớm, ngành sầu riêng Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn và mục tiêu xuất khẩu sẽ giảm từ 1 – 1,5 tỷ USD so với mục tiêu đề ra.