Sắp xét xử giám đốc công ty vàng chuyển trái phép hàng ngàn tỷ ra nước ngoài

11/04/2025 17:00

Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ để vay vốn ngân hàng và chuyển trái phép 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỷ đồng ra nước ngoài.

Theo tin từ TAND TP.Hà Nội, cuối tháng 4/2025, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Vàng Phú Cường (viết tắt là Công ty Vàng Phú Cường) về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty Lotte P&D Việt Nam) bị truy tố về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cùng với đó, 11 bị cáo khác bị cáo buộc có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Sắp xét xử giám đốc công ty vàng chuyển trái phép hàng ngàn tỷ ra nước ngoài- Ảnh 1.

Giám đốc Công ty cổ phần Vàng Phú Cường Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Bộ Công an).

Theo cáo trạng, Phương sử dụng các pháp nhân là Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường, Công ty TNHH DPC Hà Nội, Công ty Cổ phần Giá Diệp, Công ty Cổ phần Quốc Tế Lăng Nguyên, Công ty TNHH chuyển giao khoa học và công nghệ quốc tế DPC, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Aqua-com, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển dự án Đông Đô.

Ở nước ngoài, Phương sử dụng 3 doanh nghiệp tại Hong Kong do mình thành lập và điều hành là Công ty Louis Alliance Company Limited, International Trading HongKong Limited, Global Trading Service Limited.

Từ năm 2014 - 2018, Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên sử dụng hệ thống công ty nói trên để lập khống hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài, thông qua các tổ chức tín dụng với tổng số tiền hơn 214 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng).

Ngoài hành vi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, từ năm 2014- 2018, bị can Nguyễn Ngọc Phương còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài về Việt Nam với tổng số 212 triệu USD (tương đương hơn 4.773 tỷ đồng).

Với vai trò chủ mưu, cầm đầu, Nguyễn Ngọc Phương đã chỉ đạo các bị can đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới với tổng số tiền chuyển trái phép đi/về là 426 triệu USD (tương đương 9.492 tỷ đồng).

Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương đã câu kết với nhân viên ngân hàng và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng. Trong đó, Phương gây thiệt hại cho một ngân hàng ở Hà Nội hơn 42 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Đinh Thị Diệu Thúy bị cáo buộc giúp Nguyễn Ngọc Phương chuyển 214 triệu USD ra nước ngoài khi nắm nhiệm vụ phụ trách bộ phận kế toán tại hệ thống doanh nghiệp của Phương.

Cụ thể, Thúy phối hợp các nhân viên khác cân đối số tiền cần vay ngân hàng, cần chuyển ra nước ngoài thông qua các hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhập khẩu, lên phương án lập khống hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm thông tin như mặt hàng mua bán, giá trị cùng điều khoản hợp đồng, thông tin đối tác... Hồ sơ "khống" này sẽ được dùng vay vốn ngân hàng thanh toán quốc tế nhằm giúp Nguyễn Ngọc Phương chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo cáo trạng, giữa năm 2015, thời điểm các khoản vay đến hạn phải tất toán, Phương chỉ đạo Thúy phối hợp làm hồ sơ tất toán các khoản nợ cũ và vay tiếp các khoản mới.

Để làm được việc này, Thúy phải hoàn thiện các bộ hồ sơ nhập khẩu khống. Kết quả điều tra có căn cứ xác định Đinh Thị Diệu Thúy làm giả 9 tờ khai hải quan có xác nhận của Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng KV3 và Cục Hải quan TP.Hải Phòng.

9 tờ khai này được cung cấp cho ngân hàng để hợp thức hồ sơ thanh toán giá trị phần còn lại của các hợp đồng nhập khẩu; hợp thức hồ sơ thanh toán quốc tế với số tiền hơn 2,6 triệu USD (tương đương hơn 58 tỷ đồng).

Về cách thức làm giả 9 tờ khai nói trên, cơ quan tố tụng xác định Thúy sử dụng phần mềm Excel chỉnh sửa nội dung, thông tin, số liệu của các tờ khai hải quan cho phù hợp với hợp đồng kinh tế đã được lập khống như: Số tờ khai hải quan, ngày đăng ký, số vận đơn, số lượng, tổng trọng lượng (Gross), số lượng container, địa điểm lưu kho…

Sau đó, Thúy lên mạng tải mẫu con dấu của đơn vị hải quan, gồm con dấu của công chức hải quan thực hiện thông quan và con dấu hàng đã đi qua khu vực giám sát. Mẫu con dấu này được chèn vào các bản mềm tờ khai hải quan "khống" do Thúy lập rồi gửi ngân hàng.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Điều tra vụ một đoạn xương có bàn chân mang giày trôi vào bờ biểnĐiều tra vụ một đoạn xương có bàn chân mang giày trôi vào bờ biển
Tham khảo thêm
Bài học rút ra sau những vụ TikToker nổi tiếng bị bắt vì phạm phápBài học rút ra sau những vụ TikToker nổi tiếng bị bắt vì phạm pháp

T.M (tổng hợp theo VOV, VietNamNet, Người lao động)