Sẵn sàng phương án ứng phó trong mọi tình huống thiên tai

17/04/2020 03:34

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2020 sẽ có khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa ban hành Chỉ thị số 36 nhằm chuẩn bị mọi phương án trong phòng, chống thiên tai năm 2020.

Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước. Điển hình như hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra liên tiếp tại miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây nguyên... Đây là hiện tượng hiếm gặp, báo hiệu sự bất thường, cực đoan của thiên tai. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2020 còn diễn biến phức tạp với khoảng 11 - 13 cơn bão trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… đặc biệt là nguy cơ xuất hiện mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016 vừa qua.

Sẵn sàng phương án ứng phó trong mọi tình huống thiên tai

Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước, điển hình như xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương tập trung chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình diễn biến và kết quả công tác phòng chống thiên tai năm 2019, những tháng đầu năm 2020; triển khai nhiệm vụ công tác trong thời gian còn lại sát thực, hiệu quả.

Trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, tổng hợp, phân tích, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động bất ngờ, gây hậu quả lớn dẫn đến thảm họa. Đề xuất các giải pháp cần thiết trước mắt và lâu dài nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực theo dõi, giám sát diễn biến và đánh giá tác động của thiên tai đến các mặt của đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để tiếp nhận và truyền tải thông tin được kịp thời, chính xác, đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ thường trực, trực ban, họp chỉ đạo điều ứng phó, cũng như tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đến hiện trường xảy ra thiên tai được hiệu quả.

Các địa phương cần chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại

Các địa phương cần chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại

Đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai theo hướng chuyên trách, đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương cần kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Chỉ đạo và triển khai các giải pháp nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp. Trong đó ưu tiên củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, phân tích diễn biến, tác động của thiên tai đến đời sống kinh tế xã hội tại địa phương, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu đồng thời cung cấp, kết nối trực tuyến với cơ quan phòng chống thiên tai tại trung ương; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai đảm bảo tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương cũng phải xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra. Sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao, do tư nhân quản lý.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công; Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.

Chú trọng công tác thông tin phòng, chống thiên tai và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đẩy mạnh hoạt động quỹ phòng chống thiên tai, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng theo đúng quy định, phát huy hiệu quả quỹ, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai của địa phương.

Đặc biệt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương phải tổ chức thường trực, trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai và thiệt hại, công tác chỉ đạo ứng phó cũng như nhu cầu về nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả tại Bộ, ngành, địa phương về Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng thường trực) để kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.  

Thanh Nhàn

Nguồn