Sẵn sàng khắc phục sự cố điện ngay sau khi bão tan
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện trong thời gian ứng phó bão số 3 (bão Yagi) cập nhật đến thời điểm 15h ngày 7/9.
Theo đó, ngày 6/9, do ảnh hưởng của bão Yagi công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức giảm 4,2% so với ngày trước đó, trong khi sản lượng điện giảm 3,6%. Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giảm 8,7% sản lượng điện và 8,4% công suất cực đại.
Ngày 6/9, lưới điện cơ bản vận hành ổn định. Tuy nhiên, đến 20h36, xảy ra sự cố mất điện toàn trạm 500kV Hòa Bình nhưng không gây mất điện phụ tải, nghi ngờ do sét đánh. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị đã kiểm tra và khắc phục sự cố. Đến 5h13 ngày 7/9, các đơn vị đã hoàn thành việc khôi phục máy biến áp AT1, AT2 và các ngăn máy cắt của trạm biến áp 500kV Hòa Bình.
Đến 10h40 sáng ngày 7/9, một số tổ máy ở Quảng Ninh tạm dừng phát lên lưới do lưới điện bị sự cố.
Tính đến 15h ngày 7/9, 5 đường dây 500kV và 82 đường dây 220kV, 110kV đã bị ảnh hưởng bởi bão. Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng, đã xảy ra mất điện diện rộng.
Riêng tại Hà Nội, mặc dù có hai sự cố đường dây 110kV nhưng không gây mất điện phụ tải.
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Yagi tiếp tục gây mưa lớn và giông lốc tại các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Cục Điều tiết Điện lực cho biết các đơn vị điện lực đã chuẩn bị sẵn sàng để khắc phục ngay khi bão tan.
"Cục Điều tiết Điện lực cam kết sẽ giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp điện và đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục sự cố", đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm này (17h10), EVN Hà Nội không có lịch cắt điện để phòng chống bão Yagi. Chính vì vậy, những thông tin cho rằng, EVN Hà Nội cắt điện toàn thành phố vào 18h hôm nay là thông tin thất thiệt.
Theo đại diện của EVN Hà Nội, trước ảnh hưởng của siêu bão Yagi, một số địa bàn của thành phố Hà Nội bị mất điện cho cây xanh đổ vào đường dây, nhưng đây là hiện tượng cục bộ, EVN Hà Nội đang tích cực khắc phục các sự cố về điện.
Các hồ thủy điện khu vực ảnh hưởng bão đảm bảo an toàn vận hành
Cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương (Ban Chỉ huy) vừa có báo cáo về công tác ứng phó với cơn bão số 3.
Hồi 13 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h.
Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: Từ chiều ngày 7/9 đến hết đêm 7/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Ngày và đêm 8/9: có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60 mm, có nơi trên 150 mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Phía Tây Bắc Bộ: từ chiều ngày 7/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 450 mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Về công tác vận hành hồ chứa thủy điện, Ban Chỉ huy cho biết, các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ mực nước giảm. Các hồ quan trọng đặc biệt như Hòa Bình, Thác Bà tăng lưu lượng xả tràn để phòng lũ hạ du. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ mực nước hồ giảm nhẹ.
"Đối với các hồ chứa quan trọng đặc biệt khu vực Bắc Bộ lưu lượng về hồ giảm, tăng cường phát điện để hạ thấp mực nước hồ trong thời kỳ lũ muộn (dự phòng dung tích đón lũ từ bão số 3 trên biển Đông) theo quy định. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ lưu lượng về hồ giảm. Nhìn chung, các hồ khu vực ảnh hưởng bão đảm bảo an toàn vận hành và dung tích phòng lũ", Ban Chỉ huy thông tin.
Phan Trang