Sản lượng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới vẫn ồ ạt nhập trăm triệu USD mặt hàng này từ Mỹ - các 'đại bàng' cũng đang đua nhau rót vốn đầu tư

17/04/2025 08:13

Việt Nam hiện là một trong những ông lớn trong ngành sản xuất mặt hàng quan trọng này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 3 đạt hơn 368 triệu USD, giảm 26,3% so với tháng 2/2025. Lũy kế trong quý 1 nước ta đã chi hơn 1,16 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Argentina đang là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 495 triệu USD, tăng mạnh 103% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Brazil với trị giá hơn 188 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn thứ 3 của Việt Nam là Mỹ với kim ngạch hơn 168 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới vẫn ồ ạt nhập trăm triệu USD mặt hàng này từ Mỹ - các 'đại bàng' cũng đang đua nhau rót vốn đầu tư- Ảnh 1.

Đây cũng chính là 3 ông lớn của ngành sản xuất thức chăn nuôi trên toàn cầu với Mỹ là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc với sản lượng hơn 240 triệu tấn và Brazil ở vị trí thứ 3 với hơn 81 triệu tấn. Cũng theo danh sách này, Việt Nam có sản lượng hơn 26 triệu tấn, đứng thứ 8 thế giới.

Hiện nay mã HS của thức ăn chăn nuôi được phân vào nhóm 2309. Thuế nhập khẩu của thức ăn chăn nuôi từ 0%- 7%. Mức thuế ưu đãi đặc biệt áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia vùng lãnh thổ mà Việt Nam có ký hiệp định thương mại. 

Hàng năm, Việt Nam dành nguồn ngân sách rất lớn để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì để phục vụ sản xuất trong nước. Ngành chăn nuôi tiêu thụ hơn 33 triệu tấn thức ăn mỗi năm, chủ yếu dành cho chăn nuôi gia cầm và lợn. Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, nước ta có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất. Những cái tên như vậy có thể kể đến như: Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa ( Singapore), CJ (Hàn Quốc),… 

Theo báo cáo gần đây của Polaris Market Research, giá trị của thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu sẽ đạt 588,50 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức khoảng 564,78 tỷ USD vào năm 2024. Dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,3% cho đến năm 2034, đạt quy mô 859,62 tỷ USD vào năm 2034, cho thấy một lộ trình tăng trưởng mạnh mẽ.

Đối với thị trường nội địa, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam dự đoán nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng trung bình 11-12%/năm và đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc của người dân có xu hướng tăng sau mỗi năm.