Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, làng có nghề. Đây là những kết tinh của giá trị văn hóa con người hòa quyện cùng với dòng lịch sử. Để duy trì, bảo tồn và phát huy trầm tích được trao truyền qua bao đời, hàng năm Hà Nội tổ chức 1.661 lễ hội và gần 200 chương trình xúc tiến đầu tư thương mại du lịch, trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch).
Với lợi thế số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, để bảo tồn và phát triển các làng nghề, các nghệ nhân đã bằng nhiệt huyết và con tim khối óc tạo tác ra các tác phẩm vừa mang hồn cốt của địa phương, vừa mang hơi thở đương đại để đưa hình ảnh về lịch sử văn hóa con người của địa phương thông qua các sản phẩm, tác phẩm tới khách hàng trong nước và bầu bạn quốc tế.
Là Trung tâm chính trị kinh tế văn hóa khoa học của đất nước, để đáp ứng cho quy hoạch của Thủ đô, nhiều làng nghề đã bị thu hẹp để nhường chỗ cho sự phát triển của đô thị mới; nhưng những giá trị văn hóa lịch sử của nó còn lưu giữ mãi và đi vào tiềm thức của mỗi chúng ta khi tĩnh tâm suy ngẫm.
Trong rất nhiều giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh làm nên sắc màu của Hà Nội, thì đào Nhật Tân và quất Tứ Liên là nét đẹp ấn tượng, đặc trưng của Thủ đô mỗi khi Tết đến xuân sang. Hoa đào, quất cảnh ở đây đã được người dân gieo trồng, tạo tác từ hàng ngàn năm. Mặc dù đến nay, diện tích đào và quất của Tây Hồ đã bị thu hẹp, nhưng hoa đào, quất cảnh vẫn luôn là nét văn hóa đi vào tiềm thức của người dân Hà thành, và cả với du khách quốc tế cũng như nhân dân cả nước trong Tết cổ truyền của dân tộc.
Để duy trì giá trị văn hóa phi vật thể tao nhã về du xuân và thưởng lãm hoa đào và quất cảnh cho người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế thì việc bảo tồn, duy trì nghề trồng hoa đào và quất cảnh là một việc làm quan trọng, được lãnh đạo Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quận Tây Hồ rất quan tâm và xác định đây là nét văn hóa không thể thiếu đối với quận Tây Hồ để kết nối với các chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, làng nghề và trải nghiệm của du khách và người dân Thủ đô. Chính vì vậy, vừa qua, lần đầu tiên Hà Nội đã tổ chức hai hội thi hoa đào và quất cảnh thành phố Hà Nội trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2024 để tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi luôn đau đáu, tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Đây chính là địa chỉ thu hút hàng nghìn người dân tới tham quan, mua sắm hoa đào hay quất cảnh mỗi dịp cuối năm để về chơi Tết.
Anh Bùi Quang Trịnh, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, những ngày tết Nguyên đán, gác lại những lo toan thường nhật, mỗi gia đình đều tìm chọn cho mình cây đào, cây quất ưng ý trang trí nhà cửa để đón xuân mới với ước vọng một năm mới an lành, hạnh phúc, vạn sự hanh thông. Và sắc xuân trên vùng đào, quất của quận Tây Hồ, những nụ cười rạng rỡ đang mang mùa xuân về với nhân dân Thủ đô.
Để đón mùa xuân mới, dù bộn bề công việc nhưng anh Trịnh vẫn tranh thủ thời gian để tự mình đến vùng đào Nhật Tân lựa chọn cho gia đình và công ty những cây đào ưng ý nhất.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, toàn phường hiện có trên 72 ha vùng bãi ven sông Hồng để người dân bảo tồn và phát triển nghề trồng hoa đào truyền thống. Để quảng bá và tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, quận Tây Hồ cũng đã tổ chức Lễ hội hoa đào Nhật Tân và hội thi tay nghề làng đào truyền thống trưng bày các tác phẩm nổi bật, thể hiện tài hoa và lựa chọn ra các tác phẩm biểu trưng cho vẻ đẹp của hoa đào Nhật Tân. Dù thời tiết thất thường, nhưng với thời tiết mưa rét vừa qua cũng khiến cây đào đủ nước, hoa thắm và đẹp hơn cho người dân lựa chọn đón xuân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực quận ủy Tây Hồ, hoa đào Nhật Tân là biểu tượng văn hóa của Hà Nội và Việt Nam trong ngày Tết. Mỗi dịp Xuân về, sắc thắm của hoa đào lại nhuộm hồng từng góc phố, từng căn nhà khiến cho không khí Tết rộn ràng, ấm áp hơn. Hiện quận Tây Hồ đang nỗ lực phát triển hài hòa giữa không gian đô thị và vùng nông nghiệp xanh tại vùng bãi ven sông Hồng tạo nơi đón xuân, vui chơi, nghỉ dưỡng cho người dân Thủ đô. Những lễ hội hoa đào, quất, thung lũng hoa và các địa điểm vui chơi giải trí được hình thành đang cụ thể hóa chiến lược đó của quận Tây Hồ.
Thiện Tâm