Nhu cầu cao
Các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đang quảng cáo trên nhiều website và Facebook. Ở phía Nam, nhu cầu đổi tiền chủ yếu là tiền mới mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên để lì xì. Trong khi đó, ở miền Bắc, nhiều người còn có nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ 1.000, 2.000, 5.000 đồng để đi lễ đền chùa. Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ nên không dễ để sở hữu được loại tiền này. Trong những ngày cận tết này, tại các khu dân cư hay nhà máy, nhiều người quan tâm hỏi về dịch vụ đổi tiền mới mệnh giá nhỏ. Với công nhân các tỉnh về TPHCM, Hà Nội làm việc, hầu như người nào cũng muốn có một chút tiền mới mệnh giá nhỏ để mang về quê.
Một trang mạng quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới dịp Tết Nguyên đán
Cô L.T.T. (ở huyện Đông Anh, Hà Nội, đã làm dịch vụ đổi tiền mới mệnh giá nhỏ 5 năm nay), cho biết: “Dịp tết, người dân rất cần có tiền mới mệnh giá nhỏ, trong khi việc đổi không dễ dàng. Thấy vậy nên tôi bắt mối với một người làm ở ngân hàng để có nguồn tiền mới mệnh giá nhỏ, mở dịch vụ vào dịp cuối năm. Thời gian đầu ở Đông Anh chỉ có lác đác vài ba người mở dịch vụ đổi tiền mới, về sau thấy đông người đổi tiền, cộng với mức lợi nhuận thu được khá, nên hiện nay có thêm rất nhiều người khác mở dịch vụ này. Những người quen biết với nhân viên ngân hàng thì đổi được nguồn tiền mới lớn, với tỷ lệ chiết khấu ít; còn những người không có nguồn đổi tiền mới thì phải lấy tiền mới từ một chủ buôn tiền nào đó, chịu trả phí theo mức chênh lệch, miễn là làm sao vẫn có lãi là được. Ví dụ, người quen nhân viên ngân hàng thì chỉ phải chi khoảng 1%-2% trên tổng số tiền mới đổi được, nhưng với những ai lấy lại qua đại lý, người buôn tiền thì phải trả phí cao hơn, cỡ 7%-10%, tùy theo mối cung ứng, cũng như tùy theo từng loại mệnh giá tiền mới”.
Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ
Gọi đến số điện thoại rao trên một trang mạng dịch vụ đổi tiền tại TPHCM, dễ dàng nhận được thông tin từ người làm đại lý đổi tiền: “Có đủ các mệnh giá tiền, càng đổi nhiều thì phí càng thấp. Phí đổi tờ tiền có mệnh giá 5.000 đồng là 10%, 10.000 đồng là 8%. Năm nay tiền mệnh giá 20.000 đồng được nhiều người muốn đổi (do trùng với năm 2020) nên phí cao hơn, là 14%-15%. Trong tuần từ nay đến tết, phí đổi tiền các mệnh giá sẽ còn tăng thêm”. Tại Hà Nội, tiền mới mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng có mức phí đổi 10%-15%, nghĩa là khi muốn sở hữu 100.000 đồng tiền mới, người ta phải bỏ ra thêm 10.000 - 15.000 đồng. Tiền mới mệnh giá 50.000 và 100.000 đồng có mức phí ít hơn, chỉ 5%-10%, bởi các loại tiền này thị trường không khan hiếm, và nhu cầu sử dụng để lì xì, lễ chùa không nhiều. Với các loại tiền mới mệnh giá nhỏ thường dùng đi lễ đền chùa như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, lại có mức phí rất cao, 20%-30%.
Ngoài tiền lẻ, tiền mới Việt Nam đồng, những năm gần đây, vào dịp giáp tết, tờ 1 USD và 2 USD cũng được rao đổi rầm rộ, cả ở TPHCM và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trên mỗi website dịch vụ đổi tiền đều có hàng trăm người kinh doanh dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ đổi 2 USD là sôi động nhất. Các website này quảng cáo tiền 2 USD được cho là mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho người được lì xì. Vì vậy, hiện có rất nhiều người săn lùng loại tiền này.
Trong khi ở thị trường chợ đen khách muốn đổi bao nhiêu cũng có, thì thời điểm này, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM lại “than khó” vì không có đủ tiền mới, tiền nguyên seri thuộc mệnh giá nhỏ để đổi cho khách. Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (ngụ phường 14 quận Gò Vấp, TPHCM) phản ánh: “Tôi muốn đổi vài triệu đồng tiền mệnh giá nhỏ để lì xì dịp tết, nhưng đến một số ngân hàng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Sao chợ đen thì đầy tiền mới, còn ngân hàng thì bảo không có?”. Thực tế cho thấy, việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế in và lưu thông rộng rãi tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp tết đã vô tình làm giàu cho các chủ dịch vụ đổi tiền và một số nhân viên các ngân hàng, khi họ trữ tiền mới rồi tuồn ra đổi cho tư nhân để hưởng lợi.
Luật sư Đinh Công Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) đã quy định phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định pháp luật. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần. Cho nên các tổ chức, cá nhân đừng vì ham lợi nhuận cao mà tham gia dịch vụ đổi tiền để hưởng chênh lệch giá”.
Việt Cường- Đức Trung/ SGGPO