Xây trái phép như chốn không người
Báo SGGPO ngày 2-3 có bài đăng “Phú Quốc bất lực hay bảo kê vi phạm xây dựng?" Theo đó, bài viết phản ánh tình trạng xây dựng trái phép ngang nhiên diễn ra với quy mô lớn tại các mảnh đất đang thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương.
Thậm chí, ngay cả tại các dự án du lịch đã bàn giao đất cho chủ đầu tư hoặc đang làm thủ tục bàn giao đất cho chủ đầu tư củng bị các “đối tượng lạ” ngang nhiên xây dựng hàng chục bungalow, biệt thự, tự phân lô rao bán cả nước.
Cụ thể, khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ hiện là một trong những điểm nóng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc. Tại một khu đất đang thuộc quyền quản lý của chính quyền nhưng hình thành trên 20 căn nhà phố, biệt thự xây dựng không phép, phóng viên nhận thấy có 5-6 căn đang thi công dang dở, bên trong mỗi công trình có 10-20 thợ xây làm việc.
Chị T., làm nghề phụ hồ tại một công trình cho biết, đất ở đây mua bán sang nhượng bằng giấy tay, tùy kích thước, vị trí với giá dao động 500-800 triệu đồng/nền. Nhưng theo những công nhân làm việc tại đây, không ai biết chủ nhân thật sự của các ngôi nhà ở đây, chỉ biết rằng những ai có nhu cầu mua đất liên lạc với người tên Lâm, sống tại quận Tân Phú, TPHCM.
Gọi vào số phone của Lâm, người này cho biết đang sở hữu hơn 30 nền đất tại khu vực này. Phần đất này được ông và vài người bạn hùn hạp mua của dân rồi phân lô bán. Mỗi lô diện tích 500m², mặt tiền đường 24m có giá 1,2 tỷ đồng, cùng diện tích sâu bên trong giá 800 triệu đồng.
“Đất mua bán giấy tay, xây theo mẫu nhà có sẵn. Xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ bị phạt, nhưng không sao, muốn giàu phải mạnh bạo, liều lĩnh. 800 triệu đồng đầu tư cứ coi như không còn, nhưng đất còn đó, 2 năm sau có thể bán được 25 tỷ đồng/nền” - ông Lâm nói.
Ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ cho biết, những công trình sai phạm nói trên được xây dựng bên trong phạm vi của một dự án du lịch. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 24 công trình nhà ở xây dạng bungalow.
Ông Nhân trần tình: “Với quy mô bao chiếm, lực lượng xã không thể làm nổi. Xuống lập biên bản không ai nhận. Cho lực lượng xuống kéo xe cuốc, thiết bị, vật tư về nhưng các công nhân cho biết họ chỉ làm thuê, không phải chủ nhà, cũng không phải chủ thầu. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị lên cấp trên nếu chủ nhà không xuất hiện sẽ ra thông báo phá dỡ. Đối với công trình có chủ sẽ lập biên bản xử lý hành chính, buộc phá dỡ”.
Không chỉ phân lô bán nền trên đất của Nhà nước, xây dựng trái phép trên đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp, nhiều dự án của doanh nghiệp khác trong khu vực cũng bị các đầu nậu, băng nhóm giang hồ đến bao chiếm.
“Các đối tượng này ngang nhiên chiếm đất Nhà nước phân lô bán. Ngày nào lực lượng chức năng địa bàn cũng có nguy cơ đối đầu với băng nhóm, trong khi xã chỉ có 2 nhân sự địa chính phụ trách. Trong thời gian tới, những khu vực phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, UBND xã sẽ cắm biển cảnh báo để người dân, nhà đầu tư tránh sập bẫy” - ông Nhân chia sẻ.
Cần kiên quyết xử lý
Ngay sau khi Báo SGGPO có bài phản ánh, chúng tôi đã nhận được thư cảm ơn của một số chủ đầu tư có đất bị bao chiếm xây dựng trái phép tại Phú Quốc. Đồng thời xác nhận hiện doanh nghiệp bất lực nhìn các “đối tượng lạ” ngang nhiên xây dựng trái phép trên đất dự án được giao cho mình. Khi doanh nghiệp ngăn cản việc bao chiếm, xây dựng trái phép trên đất dự án của mình thì bị các đối tượng lại đe dọa…
Mặc dù chính quyền xã đã có một số lần xuống lập biên bản, thu giữ phương tiện xây dựng. Tuy nhiên, chính quyền xã không gặp được những “người chủ” bỏ tiền ra xây dựng mà chỉ gặp được công nhân xây dựng. Và sau mỗi lần chính quyền xã xuống kiểm tra, lập biên bản thì việc xây dựng trái phép lại diễn ra mạnh hơn và nhanh hơn trước. Cách đây 7 tháng chỉ mới san lập, xây bờ rào, bây giờ đã có vài chục căn biệt thự kiên cố được xây lên, đất nền được rao bán tại Phú Quốc và TPHCM.
Nhằm lập lại kỷ cương công tác quản lý đất đai, xây dựng tại huyện Phú Quốc, ngày 10-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc họp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang... để lắng nghe báo cáo kết quả xử lý các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm trên địa bàn huyện.
UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo đã xử lý được nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự, xử lý nhiều tập thể cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.
Cụ thể, lĩnh vực đất đai đã xử lý 231/308 vụ (đạt 75%), còn 77/308 vụ đang xác minh, củng cố hồ sơ tiếp tục xử lý; lĩnh vực xây dựng đã xử lý 189/229 vụ (đạt 82,5%), còn 40/229 vụ đang củng cố hồ sơ; lĩnh vực lâm nghiệp đã xử lý 33/33 vụ (đạt 100%).
UBND huyện Phú Quốc đã xử lý, luân chuyển nhiều cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm và tình hình an ninh trật tự mới tạm ổn định.
Sau khi nghe báo cáo, về phía UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự; tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm, trong đó phải xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật.
Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện, xử lý ngay, không để phát sinh thêm vi phạm. Vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm phải xem xét xử lý hình sự, nhất là đối với các băng nhóm "xã hội đen". Tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng... Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung chỉ đạo trước ngày 1-7-2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, điều tra, xử lý quyết liệt các đối tượng băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen; nhất là các băng nhóm hoạt động đội lốt công ty, doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ.
Ngày 26-3-2020, UBND xã Dương Tơ đã có thông báo “Về việc phá dỡ toàn bộ vật kiến trúc, di dời cây trồng và tài sản khác trên khu đất nằm trong quy hoạch dự án Ocean Floewer – hoa Đại Dương thuộc khu 6”.
Theo đó “Qua kiểm tra thực tế trên đất có 24 công trình xây dựng và các công trình khác như hàng rào, tường rào, đường bê tông theo biên bản đo đạc, các công trình này xây dựng trái phép vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng trên đất không được phép xây dựng). UBND xã Dương Tơ không xác định được đối tượng vi phạm. Nay UBND xã Dương Tơ thông báo đến các tổ chức cá nhân trong và ngoài xã Dương Tơ có hành vi vi phạm trên phải phá dỡ toàn bộ vật kiến trúc, di dời cây trồng và tài sản trên khu đất nêu trên trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày 26-3-2020 đến hết ngày 2-4-2020. Nếu hết thời hạn trên, các tổ chức cá nhân vi phạm không tự nguyện chấp hành thì UBND xã Dương Tơ sẽ phối hợp với các ban ngành cấp huyện tổ chức phá dỡ toàn bộ vật kiến trúc, di dời cây trồng…”.
Như vậy, sau khi Báo SGGPO có bài phản ánh ngày 2-3, sự chỉ đạo quyệt liệt của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 10-3, ngày 26-3-2020 UBND xã Dương Tơ đã có thông báo về việc phá dỡ các công trình xây dựng trái phép tại một dự án ở Phú Quốc.
Có thể nói, động thái của UBND xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc được dư luận rất đồng tình và đánh giá cao. Dư luận cũng như các nhà đầu tư mong muốn chính quyền xã Dương Tơ nói riêng, huyện Phú Quốc nói chung cần mạnh tay với tình trạng bao chiếm, xây dựng trái phép. Đặc biệt, đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, điều tra, xử lý quyết liệt các đối tượng băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", nhất là các băng nhóm hoạt động đội lốt công ty, doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ… như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Đây chính là lời mời đầu tư hiệu quả nhất nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đến với Phú Quốc để trong tương lai không xa, Phú Quốc sẽ trở nên giàu đẹp, xứng với tên gọi Đảo Ngọc.
Phương Nam