Phấn đấu đa dạng hóa, từng bước hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

11/12/2024 21:00

(Chinhphu.vn) - Ngày 10/12, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2014-2019), triển khai Chương trình hành động nhiệm kỳ III (2024-2029).

Phấn đấu đa dạng hóa, từng bước hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa- Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Đỗ Văn Trụ-Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam cho biết, từ năm 2013 tới nay, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là Quỹ xã hội duy nhất ngoài công lập về di sản văn hóa mang tính toàn quốc, thuộc tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, những người yêu di sản văn hóa lập nên, với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giáo dục tinh thần yêu di sản đồng thời gây quỹ để giúp đỡ cho những hoạt động di sản văn hóa.

Trong 13 năm qua, Quỹ đã trải qua 2 nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ I (2013-2018) và nhiệm kỳ II (2019-2024). Trong nhiệm kỳ II, Quỹ đã có được những bước phát triển mới, hoạt động có hiệu quả hơn, đạt được những thành tích đáng khích lệ. Qũy đã kết nối nhà đầu tư, các chủ sở hữu về di sản để thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, phối hợp, tổ chức thực hiện nhiều dự án, hỗ trợ cho: Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội), Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại tỉnh Vĩnh Long, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (2004-2024)... Hiện nay, Qũy đã tài trợ hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động di sản văn hóa của đất nước.

Phấn đấu đa dạng hóa, từng bước hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa- Ảnh 2.

Các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa nhiệm kỳ III (2024-2029). Ảnh: VGP/ Minh Thúy

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chung của Quỹ trong nhiệm kỳ III (2024- 2029), PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết, sẽ tăng cường, củng cố một cách hợp lý, hiệu quả tổ chức và nhân sự của Quỹ đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh phát triển, tăng cường nguồn vốn của Quỹ, thông qua việc thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án, sự kiện, là đầu mối kết nối giữa nhà đầu tư và chủ sở hữu di sản trong việc thực hiện các dự án về di sản văn hoá, đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vừa bảo toàn được vốn, vừa có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong khả năng và điều kiện cho phép.

Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1260/ QĐ-BNV ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là quỹ xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận trên nguyên tắc tự tạo vốn từ nguồn vốn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên, các nguồn vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/11/2024, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 863/QĐ-BNV về việc công nhận thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa nhiệm kỳ III (2024-2029) gồm 5 thành viên: Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch; ông Tô Văn Động, Phó Chủ tịch; ông Trịnh Thanh Giảng, Phó Chủ tịch; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Thành viên; ông Nguyễn Văn Mạc, Thành viên.

Trụ sở của Quỹ tại 2 địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Á Châu Group, lô 08 phố Nguyễn Cảnh Dị, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và Tầng 2, Trung tâm Thương mại Hàng Da, số 1 Hàng Da, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Website của Quỹ tại địa chỉ quydisan.vn.

Minh Thúy

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóaTạo hành lang pháp lý thuận lợi để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa