Ngành du lịch cần liên kết tạo sóng để vượt khó

29/11/2020 15:43

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để ứng phó với dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 730 tỷ USD doanh thu du lịch. Du lịch Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự khi lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công...Vì vậy tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 tổ chức ngày 28-11 tại Quảng Nam, các nhà quản lý, doanh nghiệp và địa phương đã cùng ngồi lại tìm giải pháp “vượt khó”.

Xây dựng thị trường nội địa bền vững không ngồi chờ vaccine

Tại thời điểm này, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, các chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được đẩy mạnh triển khai, thu hút được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trọng điểm, góp phần vừa quảng bá thành quả phòng chống, dịch Covid-19, vừa khuyến khích người dân trong nước tham gia hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện “Qua dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan. Vấn đề của ngành du lịch hôm nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan bởi thế triển khai các chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và tiếp đà tăng trưởng trở lại”.

Kết quả bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan, mặc dù thời điểm này, theo thông lệ hằng năm là mùa thấp điểm của du lịch nội địa nhưng lượng khách du lịch nội địa đã gia tăng, tạo cơ sở cho hệ thống kinh doanh du lịch được duy trì, một số điểm đến du lịch có khách trở lại để duy trì chuỗi cung ứng dịch vụ từ các tác động lan tỏa.

Tuy nhiên, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau đại dịch Covid-19, ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch một lần nữa nhấn mạnh việc cần phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới.

Cùng đó, theo ông Kiên, cần tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, phải đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19. Ngoài ra cần có thêm các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch. Theo nhiều chuyên gia du lịch, hiện nay, các doanh nghiệp đang cần có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường, tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine. Cùng chung nhận định này, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch.

Đổi mới dựa trên nền tảng số hóa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ trước đây Bộ VH-TT-DL, các địa phương không nắm được đầy đủ tất cả các cơ sở khách sạn, lưu trú trên cả nước, chưa kể là các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí… cho du khách. Đến nay, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đã lập được danh sách hơn 80.000 khách sạn, cơ sở lưu trú trên toàn quốc. Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch, các địa phương phải chỉ đạo những cơ sở này khẩn trương cập nhật thông tin thành một cơ sở dữ liệu chung. Các di sản văn hoá, thắng cảnh du lịch, cổ vật, hiện vật trong bảo tàng… cũng phải được số hoá trở thành nguồn tài nguyên chung phục vụ phát triển du lịch.

“Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các doanh nghiệp du lịch lớn mà nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ngành du lịch cần liên kết tạo sóng để vượt khó ảnh 1Thị trường du lịch nội địa đang là "cứu cánh" của ngành công nghiệp không khói 
Vấn đề chuyển đổi số cũng được các đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn, du lịch, các địa phương đặc biệt quan tâm, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Tại Vinpearl, kết quả phân tích các dữ liệu đầu vào trong quá trình chuyển đổi số đã bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan. Kết quả thể hiện rõ trên ít nhất năm phương diện gồm: chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu vận hành, nâng cao năng lực phân tích, tăng tính tự phục vụ, chuẩn hoá các nền tảng công nghệ thông tin. Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách. Qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung.

“Doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số, từ đó không chỉ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn tăng tối đa sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Lê Khắc Hiệp bày tỏ.

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sun World Holding cũng nhận định: qua đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của du khách đã thay đổi, hướng đến những sản phẩm du lịch sức khoẻ, sinh thái, trải nghiệm cùng gia đình, người thân… Vì vậy, các doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm độc đáo để tăng thời gian trải nghiệm, thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, nhân lực làm du lịch hết sức quan trọng.

“Chúng ta cũng cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương” - ông Phú Nam nhấn mạnh.

Kết nối để tạo nên sức mạnh

Câu chuyện hợp lực phát triển không chỉ được các bộ, ban, ngành xem trọng, đây cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn. Các bên triển khai nhiều dịch vụ kích cầu du lịch, combo bay - nghỉ dưỡng - giải trí với chi phí thấp; mở rộng hợp tác các doanh nghiệp lữ hành, kết nối khu vực du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang... Khi tiện ích gia tăng được cộng gộp, người tiêu dùng hưởng nhiều lợi ích hơn.

Ngành du lịch cần liên kết tạo sóng để vượt khó ảnh 2Lãnh đạo Hà Nội, TPHCM và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hợp tác liên kết, phát triển du lịch
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM đề xuất 5 nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển du lịch của cả nước, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thông qua Chiến lược Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030. Những nhiệm vụ, giải pháp được xác lập trong Chiến lược hướng đến phát triển du lịch bền vững, đưa TPHCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 cũng xác định liên kết vùng là một trong chín nhóm giải pháp trọng tâm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của TPHCM và các địa phương trong cả nước. Từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng, tăng mức đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch vào GDP của TPHCM và các địa phương, góp phần nâng tầm, nâng chất và khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Lãnh đạo TPHCM cũng đã và đang tập trung chỉ đạo ngành du lịch tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước. Song song với thỏa thuận chính, kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn cũng được các địa phương xây dựng với những nội dung giải pháp cụ thể.

Ở góc độ doanh nghiệp, Saigontourist, Viettravel, Sun Group, Vietjet Air, Vingroup, Vietnam Airlines, Bamboo Airways... đã thực hiện nhiều hành động quyết liệt để cùng liên kết các bên phát triển, tồn tại được trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các doanh nghiệp, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với cộng đồng…

“Nếu kết nối, phối hợp tốt, chúng ta có thể làm được những việc tưởng chừng không làm được và nhiều nước tưởng rằng rất khó, mà thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một ví dụ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Nguồn SGGPO