Một quốc gia châu Á đang ráo riết phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc: Sỡ hữu hơn 12 triệu tấn ‘vàng nâu’ chứa kim loại đất hiếm, ông lớn nội địa tuyên bố: “Tiền không phải vấn đề”

04/07/2025 20:30

Trong vòng 5 năm tới, thị trường đất hiếm toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn.

Một quốc gia châu Á đang ráo riết phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc: Sỡ hữu hơn 12 triệu tấn ‘vàng nâu’ chứa kim loại đất hiếm, ông lớn nội địa tuyên bố: “Tiền không phải vấn đề”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, tập đoàn Hindustan Zinc của Ấn Độ đang chuyển hướng sang khai thác và phát triển khoáng sản chiến lược này. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng hoạt động sản xuất thương mại có thể sẽ cần tới năm năm nữa, do những rào cản trong khâu thăm dò và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa.

Trao đổi với Nikkei Asia, CEO Arun Misra nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm đối với Ấn Độ, đồng thời xác nhận Hindustan Zinc là doanh nghiệp tư nhân duy nhất trúng thầu một mỏ monazite tại bang Uttar Pradesh trong cuộc đấu giá do Chính phủ tổ chức hồi tháng 5. Dù vậy, giai đoạn khảo sát và phân tích trữ lượng có thể mất tới 3 - 4 năm trước khi đi vào khai thác thực tế.

"Phần đầu tiên là thăm dò và đánh giá trữ lượng cả về số lượng lẫn chất lượng. Riêng điều đó đã đủ mất thời gian", ông Misra cho biết.

Sự thiếu hụt nam châm vĩnh cửu trên toàn cầu – đặc biệt sau khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu một số đất hiếm quan trọng như terbi và dysprosi, vốn dùng để nâng cao khả năng chịu nhiệt của nam châm neodymium – đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất ô tô và thiết bị điện tử. Trung Quốc hiện vẫn đang xử lý các đơn xin xuất khẩu, nhưng sự không chắc chắn về nguồn cung đang khiến các nước tìm cách tự chủ hơn.

Ấn Độ hiện sở hữu 6% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng khai thác, so với mức 69% của Trung Quốc. Theo ông Misra, Trung Quốc đang hưởng lợi từ trữ lượng bastnaesite có hàm lượng thorium thấp, giúp giảm đáng kể chi phí xử lý và nâng cao hiệu quả vận hành – một khác biệt mang tính chiến lược trong ngành.

Về phía Ấn Độ, quốc gia này sở hữu 12,73 triệu tấn trữ lượng monazite, chủ yếu tập trung tại các bãi cát ven biển phía nam. Tuy nhiên, luật pháp hiện hành cấm doanh nghiệp tư nhân khai thác những khu vực này do hàm lượng thorium cao – một nguyên tố liên quan đến năng lượng hạt nhân. Hiện chỉ có Indian Rare Earths Ltd – doanh nghiệp nhà nước được phép khai thác.

"Nếu hoạt động khai thác monazite được mở cửa cho khu vực tư nhân, và các công ty như chúng tôi có thể tham gia, Ấn Độ sẽ tiến tới khả năng tự sản xuất nam châm đất hiếm", ông Misra nói thêm.

Theo EY, Trung Quốc nắm giữ 44 triệu tấn trữ lượng đất hiếm, tương đương 40% quy mô toàn cầu. Chuyên gia chính sách trưởng của EY Ấn Độ, ông DK Srivastava, cảnh báo rằng nếu không đẩy mạnh R&D và hợp tác quốc tế, bất kỳ sự thiếu hụt nào trong chuỗi cung ứng khoáng sản sẽ trở thành "nút thắt cổ chai" cản trở tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Trong năm tài chính 2022–2023, Ấn Độ ghi nhận lượng nhập khẩu oxit đất hiếm giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng từ 17,5% lên 25%, cho thấy mức độ phụ thuộc ngày càng lớn.

Không chỉ đất hiếm, Ấn Độ cũng đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu các khoáng sản quan trọng khác như coban, than chì, lithium và đồng – những nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất xe điện và lưu trữ năng lượng. Dù có trữ lượng trong nước, quốc gia này vẫn nhập khẩu tới 60% lượng than chì và chưa tinh chế coban nội địa.

Theo báo cáo năm 2024 của IEEFA, tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thập kỷ tới, khi nhu cầu về khoáng sản chiến lược có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, trong khi năng lực khai thác trong nước chưa bắt kịp.

Để ứng phó, chính phủ Ấn Độ đã công bố Sứ mệnh Khoáng sản Quan trọng Quốc gia trị giá 1,9 tỷ USD, giao cho Cục Khảo sát Địa chất thực hiện 1.200 dự án thăm dò đến năm tài khóa 2030–2031. Ngoài ra, nước này cũng đang đàm phán để đảm bảo trữ lượng lithium và coban tại nước ngoài.

Hindustan Zinc đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này khi mở rộng sang các khoáng sản quan trọng, sau thương vụ mua lại các mỏ kali và vonfram. Doanh nghiệp đặt mục tiêu 30% doanh thu đến từ khoáng sản chiến lược trong vòng 5 năm tới.

"Chúng tôi đang lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực khó tiếp cận và ít hấp dẫn với các tập đoàn lớn. Với chúng tôi, tiền không phải là vấn đề", ông Misra khẳng định, dẫn chứng lợi nhuận tăng 33% lên 103,5 tỷ rupee trong năm tài chính 2024–2025.