Miến dong làng So "chạy đua" đón Tết, sản lượng gần 100 tấn/tháng

13/01/2025 13:30

Những ngày giáp Tết, làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) rộn ràng hơn bao giờ hết. Người dân tất bật hoàn thiện những mẻ miến dong cuối cùng, mang đến món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ ngày xuân.

Làng So từ lâu đã được biết đến như cái nôi của nghề làm miến dong truyền thống, nơi lưu giữ hương vị đặc trưng qua bao thế hệ. Những sợi miến mềm mịn, thơm bùi, được làm từ tinh bột dong riềng nguyên chất, là niềm tự hào của người dân nơi đây. 

Không ai nhớ chính xác nghề này bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời ông cha, những tấm phên tre đã gắn bó với từng mẻ miến được phơi khắp sân đình, ngõ xóm.

Ban đầu, nghề làm miến chỉ gói gọn trong các hộ gia đình nhỏ lẻ, với phương pháp thủ công tỉ mỉ, nhưng ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, làng nghề đã nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn mà vẫn giữ được chất lượng vượt trội.

Điều làm nên sự khác biệt của miến làng So chính là nguyên liệu. 100% bột dong riềng được tuyển chọn từ các vùng núi như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu – nơi có thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng. Bên cạnh đó, nguồn nước giếng tự nhiên ngọt mát của vùng đất này cũng góp phần tạo nên hương vị đặc trưng khó lẫn.

Miến dong làng So "chạy đua" đón Tết, sản lượng gần 100 tấn/tháng- Ảnh 1.

Những ngày giáp Tết, Người dân làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội đang hối hả hoàn thành những mẻ miến dong cuối cùng để kịp giao cho các đơn hàng Tết.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Vương Thị Sen - chủ cơ sở miến dong Viên Sen, cho biết để làm ra sợi miến ngon, người dân làng So phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. 

Tinh bột dong riềng được lọc kỹ qua ba lần để loại bỏ tạp chất, sau đó trộn bột sống và bột chín theo tỷ lệ chuẩn, rồi hấp thành bánh. Những chiếc bánh miến sau đó được phơi ngược hướng gió để khô đều, cắt thành sợi, ngâm mềm và tiếp tục phơi khô trước khi đóng gói.

Miến dong làng So được sản xuất quanh năm, nhưng từ tháng 9 đến tháng 12, làng nghề bước vào mùa cao điểm để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong dịp Tết. Nhờ đầu tư vào thiết bị máy móc bán tự động, nhiều hộ gia đình duy trì sản lượng ổn định, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường. 

“Gia đình tôi đã chuyển đổi công nghệ được 5 năm. Công nhân làm việc nhẹ nhàng hơn, sản lượng tăng và chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện. Ngày thường, chúng tôi chỉ sản xuất 15-20 tấn miến mỗi tháng, nhưng vào dịp Tết, sản lượng đạt 70-80 tấn”, bà Sen chia sẻ.

Để đảm bảo miến dẻo dai, thơm ngon, các hộ sản xuất phải tận dụng những ngày nắng hiếm hoi để phơi miến. Dưới ánh nắng vàng, sợi miến khô tự nhiên, giữ trọn hương vị đặc trưng và màu sắc óng ả, sẵn sàng phục vụ nhu cầu cao điểm trong mùa Tết. 

Miến làng So có màu trắng trong, sợi dai, giòn tự nhiên, không bị nhão hay bết dính khi nấu quá lửa, đặc biệt không sử dụng chất bảo quản hay phụ gia. Sản phẩm không chỉ là niềm tự hào của người dân làng So mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

Miến dong làng So "chạy đua" đón Tết, sản lượng gần 100 tấn/tháng- Ảnh 2.

Miến dong làng So không những được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ.

Sản phẩm miến dong làng So không những được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Mỗi năm, công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Dương Kiên, do ông Dương Đình Khôi làm giám đốc, mang về doanh thu 5 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu, đồng thời chiếm lĩnh thị trường nội địa.

"Hiện nay, miến dong Dương Kiên đã có mặt tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Từ tháng 11/2024, công ty nâng công suất lên gấp đôi để phục vụ các đơn hàng dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày đạt khoảng 3 tấn miến khô", ông Khôi chia sẻ.

Sự thật ít biết về việc ăn miến dong tốt cho người tiểu đườngThương hiệu miến dong sạch Quyền Thiết - điển hình liên kết sản xuất nông nghiệp

Sản phẩm miến dong Dương Kiên được đóng gói 500g/túi, có tem, nhãn mác với đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Vài năm gần đây, công ty còn phát triển sản phẩm hộp quà Tết từ miến dong kèm phụ gia, được thị trường ưa chuộng nhờ tính tiện lợi và chất lượng đảm bảo. 

Với 4 nhà xưởng rộng gần 300m2 mỗi nhà xưởng, cơ sở sản xuất miến Dương Kiên tạo việc làm cho nhiều lao động thường xuyên và gần 40 lao động thời vụ. 

Hiện nay, xã Tân Hòa có khoảng 60 hộ gia đình sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập trung bình của người dân đạt 62 triệu đồng/người/năm, gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. 

Miến dong làng So "chạy đua" đón Tết, sản lượng gần 100 tấn/tháng- Ảnh 3.

Xã Tân Hòa có khoảng 60 hộ gia đình sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Miến dong làng So đã đăng ký mã vạch, thương hiệu và công bố chất lượng theo quy định. Năm 2020, sản phẩm miến làng So được UBND TP Hà Nội chính thức công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, khẳng định chất lượng và vị thế của thương hiệu trên thị trường.

Để tiếp tục phát triển bền vững, ông Lý Đình Quang - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa khẳng định xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển sản xuất, đồng thời phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. 

Ngoài ra, xã cũng tích cực quảng bá thương hiệu miến dong làng So qua các hội chợ và kênh truyền thông, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho bà con. Đồng thời, xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng đề án bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tâm linh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đình So.