Tán thành coi đây là “luật gốc” cho công tác BVMT, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, một nguyên tắc rất quan trọng trong áp dụng pháp luật là tính hệ thống. Xét theo đó thì khi “đụng” đến các vấn đề liên quan đến BVMT cần ưu tiên áp dụng luật này – ĐB nêu rõ quan điểm.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ đồng tình với việc quản lý, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cả ở hai giai đoạn: tiền kiểm và hậu kiểm đối với các dự án, tuỳ theo tính chất và mức độ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. “Cách phân chia này thì tiện lợi, nhưng cần phải rất minh bạch chứ không thì sẽ lại phát sinh tình trạng để dự án loại này “chạy chọt” sang loại khác để “né” ĐTM”. Về xu hướng phân cấp quản lý Nhà nước về môi trường, ĐB nhận xét: “Dự thảo Luật có sự phân cấp khá mạnh, nghĩa là Bộ TNMT không “ôm” hết về mình. Nhưng tôi cũng rất băn khoăn là thực tiễn 20 năm nay vi phạm pháp luật về môi trường rất nhiều, giao quá nhiều quyền cho địa phương mà không kiểm soát, trong khi làn sóng đầu tư mạnh mẽ như hiện nay thì cũng có rủi ro”. Việc phân loại dự án theo quy mô vốn (để phân cấp quản lý môi trường) cũng có phần chưa hợp lý, vì có trường hợp dự án tuy có quy mô vốn nhỏ, nhưng lại có khả năng tác hại đến môi trường rất lớn.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại phiên họp tổ ĐBQH sáng 11-6. Ảnh: VIẾT CHUNG
Ghi nhận những điểm tiến bộ của dự thảo Luật, tương tự như ĐB Trương Trọng Nghĩa, song ĐB Lâm Đình Thắng đề nghị, có thêm cơ chế để đảm bảo hiệu quả giám sát của nhân dân đối với các dự án có tác động đến môi trường. ĐB Lâm Đình Thắng nhận xét: “Thực tế người dân có rất ít thông tin và thường không có đủ trình độ đánh giá, phản biện dự án một cách toàn diện, sâu sắc”. Do vậy, ĐB đề nghị, dự Luật bổ sung các quy định về cách thức, loại thông tin mà chủ đầu tư dự án phải cung cấp và trách nhiệm pháp lý nếu không công bố đúng quy định; cụ thể hoá việc tiếp thu và giải trình của chủ đầu tư cùng với yêu câu cầu tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia độc lập.
Anh Phương