Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất từ ngày 25/5
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Ngành nào sẽ được hưởng lợi?
Chứng khoán Mirae Asset nhận định, động thái trên cho thấy NHNN đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Việc tiếp tục giảm mức trần huy động ở mức 0,5% sẽ tác động tích cực tới những nhóm ngành có tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
Dựa theo số liệu chốt năm 2022, 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn trước quyết định giảm lãi suất này gồm bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông, hải sản và xây dựng”, Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Mirae Asset giả định giảm lãi suất huy động có thể kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng cũng được kéo xuống mức thấp hơn 5%/năm và kỳ vọng xuống thấp hơn 11% đối với cho vay trung và dài hạn. Với giả định như vậy, lợi nhuận trước thuế của một số ngành sẽ được cải thiện cho nửa cuối năm 2023.
Ngành thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế ở mức 4,2% khi lãi suất "hạ nhiệt"
Kịch bản trung tính nhất ở mức giảm lãi suất cho vay 0,5% sẽ giúp cho các doanh nghiệp thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2% và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%. Trong khi đó, lợi nhuận ngành bất động sản có thể cải thiện 1,2%, xây dựng 3,2% và nuôi trồng thủy hải sản là 2,3%.
Giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua
Kết thúc quý 1/2023, mặc dù kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp vẫn chưa thoát lỗ nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã cải thiện so với quý trước. Trong đó, Hòa Phát đã có lãi trở lại bất chấp nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán trước đó vẫn dự báo “anh cả” ngành thép có thể tiếp tục thua lỗ.
Quý đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, giảm đến hơn 95% so với cùng kỳ nhưng đã khả quan hơn nhiều so với mức lỗ lên đến hàng nghìn tỷ trong 2 quý trước đó.
Khả quan hơn, Hoa Sen thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong quý 1, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với quý trước.
Tương tự, Vnsteel và SMC SMC cũng đều đã có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng nhưng lợi nhuận vẫn còn rất thấp so với cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vnsteel trong quý 1 giảm 65% xuống còn 68 tỷ đồng trong khi SMC cũng báo lãi giảm 74% xuống còn gần 21 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù lỗ quý thứ 3 liên tiếp nhưng Nam Kim và Pomina cũng đã có những tín hiệu khởi sắc hơn. Quý đầu năm, Nam Kim không còn kinh doanh dưới giá vốn, lãi gộp đạt 138 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 49 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 2 quý trước. Tương tự, mức lỗ 187 tỷ đồng trong quý 1/2023 của Pomina cũng thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỷ đồng của quý 4 và 716 tỷ của quý 3 năm ngoái.
và một số ngân hàng để hỗ trợ bạn tìm một ngôi nhà phù hợp.