Theo đồng chí Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN, ngày 21-12-1954, chỉ sau hơn 2 tháng tiếp quản thủ đô, dù rất bận, Bác Hồ vẫn tới thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Từ đó, ngày 21-12 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành điện lực Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, EVN đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Sản lượng điện hàng hóa tăng trưởng liên tục với tốc độ cao. Điện thương phẩm tăng từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên khoảng 225,4 tỷ kWh năm 2020; tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Đặc biệt, EVN đã đưa vào phát điện dự án Thủy điện Sơn La sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, dự án Thủy điện Lai Châu vượt trước 1 năm so với quy hoạch. Với công suất 2.400MW, công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của EVN.
Về lưới điện, EVN đã đóng điện nhiều công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cả nước. Giai đoạn 2010-2019, hoàn thành đóng điện 1.936 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây 8.290km, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống.
Theo đồng chí Dương Quang Thành, EVN là đơn vị giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo. Kết quả tới năm 2019, có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4, chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước. EVN cũng đã hoàn thành xuất sắc thực hiện các dự án đẩy mạnh hơn chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh, bền vững
Từ năm 2004, EVN đã đẩy mạnh công tác cổ phần hóa. Qua hơn 16 năm thực hiện, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng.
EVN đã mạnh dạn nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển 20 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập; các đơn vị được quyền chủ động về tài chính cũng như quyết định và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước pháp luật. Trong đó, EVN giữ vững vai trò trung tâm để phát triển; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học - công nghệ để ngành điện Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ về ứng dụng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, năm 2018, EVN đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. “Với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động, hơn 10 vạn cán bộ - công nhân viên EVN sẽ tiếp tục vững bước, đoàn kết vượt qua thử thách, giữ cho nguồn điện không bao giờ tắt, xứng đáng với vai trò chính trong việc đảm bảo đủ điện cho đất nước…”, đồng chí Dương Quang Thành khẳng định.