Bừng sáng tỉnh lẻ
Tháng 8 năm nay, tỉnh Bình Định nổi lên trở thành địa điểm thu hút đầu tư hàng đầu khu vực duyên hải miền Trung, với 15 dự án được cấp phép, tổng vốn hơn 36.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng BĐS nổi lên hàng đầu, có sự xuất hiện của các doanh nghiệp TPHCM.
Khu dân cư mới tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh công bố dự án Grand Center Quy Nhơn, tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại, dịch vụ với tổng vốn đầu tư 2.119 tỷ đồng. Đây là sự khởi đầu của nhiều dự án mà công ty này đổ bộ tại Bình Định. Nhưng có lẽ chơi lớn nhất là Công ty cổ phần BĐS Phát Đạt (PDR) thông qua dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, tổng vốn đầu tư 25.500 tỷ đồng. Mới đây lại tiếp tục trúng đấu giá 5.246m2 - khu “đất vàng” tại số 1 Ngô Mây (TP Quy Nhơn). Tổng quỹ đất của PDR tại Bình Định lên đến 171,9ha.
Sự lấn sân sang các tỉnh đầu tư đã phác họa nên bức tranh BĐS sôi động tại nhiều địa phương, không còn gói gọn tại các thành phố lớn. Novaland nổi lên với nhiều dự án đình đám tại Đồng Nai; Nam Long với các dự án lớn ở Long An. Gần đây, Công ty cổ phần BĐS An Gia đã thay đổi hẳn chiến lược, đó là mua hàng loạt dự án thuộc khu trung tâm các thành phố trực thuộc các tỉnh. Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia, cho biết quan điểm đầu tư là ngoài việc xây dựng chung cư sẽ tiến hành xây dựng nhà phố hoàn chỉnh, chứ không dừng lại ở chuyển nhượng đất nền. Tính đến thời điểm này, hầu như dấu chân của các doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại TPHCM đã in đầy tại Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Dương, Nha Trang, Phú Quốc, Long An, Đồng Nai…
Vướng mắc về đất công
Ngược với bức tranh sôi động tại các tỉnh, TPHCM rất thận trọng đối với các dự án liên quan đến đất công.
Thông tin mới nhất từ Sở TN-MT TPHCM, tính đến hết năm nay chỉ có 5 dự án nhà ở được phê duyệt, sau khi có đầy đủ “bút phê” từ các bộ ngành cho đến các cơ quan chức năng của TPHCM. Thống kê từ ngày 1-7-2015 (thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến tháng 8-2018, TPHCM có 170 dự án nhà ở thương mại, trong đó chỉ có 44 dự án có 100% đất ở được duyệt; còn lại 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp thì mặc dù đã thực hiện chủ trương đầu tư, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để có cơ sở thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo, dẫn đến dự án bị ách tắc, đẩy doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn.
Liên quan đến đất công, một số dự án thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án để rà soát lại về pháp lý; hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, theo Hiệp hội BĐS TPHCM, hiện nay cũng chưa được giải tỏa hoàn toàn. TPHCM có hơn 150 dự án thuộc diện này, mặc dù thành phố và cơ quan có thẩm quyền của trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại kể từ tháng 3-2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh. Vướng mắc về đất công xảy ra không chỉ đối với nhà ở thương mại mà cả với dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp, mặc dù nhà ở xã hội có đặc thù là được miễn tiền sử dụng đất, nhưng cũng bị dừng lại!
Nhìn chung, bức tranh thị trường BĐS năm 2020 tại TPHCM sẽ tiếp tục khó khăn, nếu như các vấn đề liên quan đến pháp lý không được tháo gỡ. Là thị trường lớn, đặc biệt nhà ở của các phân khúc dành cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và thu nhập khá luôn khan hiếm, tình trạng thiếu nguồn cung kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của thành phố là điều khó tránh khỏi!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, đã nhiều lần kiến nghị đến lãnh đạo TPHCM: “UBND TP phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với những dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân”.
|
Lương Thiện/ SGGPO