Không chỉ Việt Nam hạn chế mặc vest, châu Âu cũng có không ít "kế sách" để tiết kiệm điện trong thời tiết nắng nóng: không đeo cà vạt và ... nên tắm chung

05/06/2023 00:30

Điều hòa phải bật trên 27 độ, mở cửa khi bật điều hòa sẽ bị phạt, ngừng đeo cà vạt... đều là những biện pháp mà châu Âu đưa ra để đối phó với vấn đề năng lượng.

Thời tiết mùa hè những năm gần đây thương gay gắt hơn với nhiệt độ tăng cao ở khắp nơi trên thế giới từ Á sang Âu. Năm 2022 là một năm nắng nóng kỉ lục của châu Âu. Người dân nơi đây vốn hiếm khi sử dụng điều hòa cũng phải thay đổi thói quen để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.

Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, kéo theo hóa đơn tiền điện tăng là nỗi lo của rất nhiều gia đình. Nó còn là nỗi lo của nhiều quốc gia bởi giá năng lượng tăng cao. Một số biện pháp do các chính trị gia Châu Âu đề xuất để tiết kiệm năng lượng đã thu hút sự chú ý, song không ít “kế sách” gây ra nhiều tranh cãi.

Tây Ban Nha: Không đeo cà vạt để tiết kiệm năng lượng

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đưa ra một đề xuất sáng tạo, tiết kiệm năng lượng bằng cách làm mát cơ thể: Bỏ cà vạt. “Tôi muốn các bạn thấy rằng, tôi không đeo cà vạt. Điều này có nghĩa tất cả chúng ta đều có thể tiết kiệm năng lượng” - Thủ tướng Sanchez phát biểu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cũng kêu gọi các bộ trưởng và nhân viên văn phòng ngừng đeo cà vạt như một cách đối phó với khủng hoảng năng lượng.

Không chỉ Việt Nam hạn chế mặc vest, châu Âu cũng có không ít "kế sách" để tiết kiệm điện trong thời tiết nắng nóng: không đeo cà vạt và ... nên tắm chung - Ảnh 1.

Thủ tướng Tây Ban Nha đưa ra sáng kiến không đeo cà vạt để tiết kiệm năng lượng (Ảnh: AFP)

“Tôi muốn đưa ra đề nghị cho những người lao động ở khối văn phòng, hãy ngưng sử dụng cà vạt trừ khi thật cần thiết. Bằng cách đó, chúng ta có thể cùng nhau góp một phần nhỏ trong công cuộc tiết kiệm năng lượng cho quốc gia” - ông Sanchez nói thêm.

Nhiều tranh cãi đã xảy ra xung quanh tính thực tế của việc yêu cầu người dân ngừng đeo cà vạt để tiết kiệm năng lượng.

Thuỵ Sĩ: Tiết kiệm năng lượng bằng cách tắm chung

Bộ trưởng Năng lượng Thuỵ Sĩ, bà Simonetta Sommaruga đề xuất người dân tắm chung để tiết kiệm năng lượng điện, khí đốt. Trong một cuộc phỏng vấn, nữ chính trị gia cho rằng mọi người nên “tắt máy tính, cũng như đèn điện khi không sử dụng và tắm cùng nhau”.

Dù cố gắng thúc đẩy kế hoạch tiết kiệm năng lượng của chính phủ nhưng bà Sommaruga vẫn nhận về chỉ trích dữ dội. Đáp trả lại phản ứng tiêu cực của công chúng, Bộ trưởng Năng lượng Thuỵ Sĩ cho rằng bà chỉ muốn “nâng cao nhận thức” của người dân trong vấn đề tiết kiệm năng lượng quốc gia.

Trước Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, nhiều quốc gia châu Âu như Hy Lạp và Ý cũng đã đưa ra các biện pháp tượng tự để hạn chế sử dụng năng lượng làm mát ở các tòa nhà công cộng, trong đó có yêu cầu bật điều hòa trên 27 độ C.

Pháp cũng yêu cầu bật điều hòa ở nhiệt độ cao và giảm nhiệt độ sưởi vào mùa đông. Các doanh nghiệp mở cửa khi bật điều hòa sẽ bị phát 750 euro (hơn 18 triệu đồng). Thành phố Hanover của Đức cấm sử dụng điều hòa di động ở các nơi công cộng trừ bệnh viện và trường học.

Không chỉ Việt Nam hạn chế mặc vest, châu Âu cũng có không ít "kế sách" để tiết kiệm điện trong thời tiết nắng nóng: không đeo cà vạt và ... nên tắm chung - Ảnh 2.

Tại châu Âu, để điều hòa quá lạnh giờ là một "tội ác"

Việt Nam đối phó với thời tiết nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, giá điện tăng cao và nỗi lo thiếu điện đang khiến nhiều người dân lo lắng. Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các sở ban ngành, UBND quận huyện và TP.Thủ Đức về đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn trong mùa khô năm nay.

Các giải pháp cấp bách được đưa ra theo từng nhóm đối với 7 đối tượng, từ cơ quan hành chính, trường học, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chiếu sáng công cộng, các hộ gia đình.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, TP.HCM khuyến nghị điều chỉnh máy điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút sau khi bắt đầu làm việc và tắt sớm 60 phút trước khi hết giờ.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên và các khu vực công cộng. Đặc biệt, chính quyền TP.HCM đề nghị hạn chế sử dụng trang phục trang trọng, áo vest… khi làm việc và tham gia họp của cơ quan hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM cũng yêu cầu giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng từ 22 giờ tại các tuyến đường có ít phương tiện tham gia giao thông, tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí từ 22 giờ.

Không chỉ Việt Nam hạn chế mặc vest, châu Âu cũng có không ít "kế sách" để tiết kiệm điện trong thời tiết nắng nóng: không đeo cà vạt và ... nên tắm chung - Ảnh 3.

Nhiều nơi khuyến khích đi bộ thay vì sử dụng thang máy

Từ ngày 16/5 đến nay, toàn địa bàn đã tiết kiệm được 10,23 triệu kWh điện. Trung bình mỗi ngày, TP HCM tiết kiệm được gần 1,14 triệu kWh điện, giá điện bình quân tại TP HCM hiện là 2.167 đồng/kWh. Như vậy, mỗi ngày  tiết kiệm được 2,4 tỉ đồng.

Tương tự, Nghệ An đã có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện các quy định về sử dụng điện. Trong đó, hạn chế 50% đèn chiếu sáng, hành lang, hàng rào bảo vệ. Những ngày nắng nóng, căng thẳng về nguồn điện thực hiện tắt hết điện đèn chiếu sáng. Đặc biệt, các thang máy chỉ dùng cho tầng 4 trở lên, tầng 3 trở xuống đi cầu thang bộ.

.