Sức ép cạnh tranh không công bằng cho hàng hóa trong nước
Đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế, phù hợp thực tế. Đây là nội dung đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Tờ trình quyết định bãi bỏ Quyết định 78 năm 2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Theo Bộ Tài chính, đến nay chính sách này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn do thương mại điện tử thế giới cũng như ở Việt Nam tăng trưởng rất nhanh.
Giới chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, việc hàng ngoại giá rẻ vào thị trường trong nước dễ dàng thông qua mạng lưới logistics thương mại điện tử, trong khi lại được miễn thuế đang gây sức ép cạnh tranh không công bằng cho hàng hóa trong nước.
Chỉ tính riêng trên một sàn thương mại điện tử lớn trong quý III năm nay, lượng hàng hóa có kho đặt tại nước ngoài bán vào thị trường trong nước đạt gần 80 triệu sản phẩm, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có gần một nửa là các mặt hàng giá rẻ, dưới 100.000 đồng/sản phẩm. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2023, tổng giá trị hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng vào nước ta qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.
Lợi thế giá rẻ của hàng ngoại càng lớn hơn khi hai năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài như Temu, Alibaba, Shein đi theo mô hình làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất để bán hàng, cắt giảm nhiều khâu phân phối trung gian để đưa ra mức bán lẻ rẻ nhất có thể. Cùng với việc hệ thống kho bãi, logistics phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới trong và ngoài nước những năm gần đây tăng trưởng nhanh đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam.
Việc bán hàng trực tuyến có lẽ chưa bao giờ dễ dàng hơn
Mô hình “kho livestream nội đô” thâm nhập thị trường nội địa
Để tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam dễ dàng hơn nữa, trong một năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu đầu tư các mô hình mà giới trong ngành gọi là "kho livestream nội đô" tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các phiên livestream được tổ chức mỗi ngày. Hàng hóa ngoại đã ở sẵn trong kho.
Tìm theo những lời quảng cáo, nhóm phóng viên trong vai công ty có nhu cầu hợp tác đã tiếp cận được doanh nghiệp đứng sau mô hình "kho livestream nội đô". Việc bán hàng trực tuyến có lẽ chưa bao giờ dễ dàng hơn với đa dạng các dịch vụ mà doanh nghiệp này cung cấp: từ đào tạo nhân sự, xây kênh bán hàng cho đến cung cấp nguồn hàng. Để thêm sức thuyết phục, doanh nghiệp cho thấy đằng sau mỗi cửa phòng chỉ vài m2 là những bạn trẻ đang ra sức livestream bán hàng.
Các không gian hàng trăm m2 cho các buổi livestream bán hàng, đào tạo bán hàng quy mô lớn cũng được thiết kế. Và rất dễ bắt gặp các hàng hóa ngoại nhập tại đây. Từ mỹ phẩm, phụ kiện điện tử cho đến các mặt hàng đồ gia dụng, xe máy điện đều có ở khu trưng bày này, sẵn sàng đến tay người mua qua những lời hô hào chốt đơn.
Nguồn hàng giá tốt sẵn sàng, dịch vụ phụ trợ kèm theo cũng đầy đủ, với chủ một doanh nghiệp về vận hành thương mại điện tử, hầu như không có lý do gì để từ chối lời mời hợp tác của mô hình "kho livestream" từ doanh nghiệp nước ngoài.
Giám đốc một công ty vận hành livestream cho biết: “Nếu chỉ là doanh nghiệp thuần về lợi nhuận, đó là những lời mời hấp dẫn. Bởi gần như mình không cần bỏ vốn, không cần bỏ về hàng hóa. Mình chỉ cần vận hành. Làm được bao nhiêu sẽ nhận được các nguồn lợi bấy nhiêu. Và mình thấy lợi thế từ sản phẩm của các đơn vị đó: Đa dạng, giá rẻ, trang thiết bị hiện đại hơn so với những điều mình đang sở hữu”.
Làm bao nhiêu thì hưởng lợi bấy nhiêu theo đúng nghĩa đen. Bởi với những đối tác còn e dè, dù bán được 1-2 sản phẩm thì cũng đã hợp tác được. Thương mại điện tử đã mang lại cơ hội "đổi đời" cho nhiều cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ. Nhưng tác động của nó cũng mạnh mẽ đến mức đang khiến các kênh phân phối truyền thống đối diện với khó khăn chưa từng có. Và hàng hóa nước ngoài thông qua thương mại điện tử cũng bắt đầu khiến không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước lao đao.
Cần phải khẳng định rằng, với một nền kinh tế có độ mở cao, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Việt Nam, việc các doanh nghiệp nước ngoài phát triển và triển khai các mô hình thương mại mới như "kho livestream nội đô" là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể bảo vệ ngành sản xuất, hàng hóa Việt Nam trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề quan trọng cần được đặt ra.