Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS, miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

11/04/2025 20:13

(Chinhphu.vn) - Bộ Dân tộc và Tôn giáo đang đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), giai đoạn II, theo hướng tiếp tục duy trì các nhiệm vụ quan trọng trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS, miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn II - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề "5 nhất"

Chương trình MTQG 1719 đã góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân khoảng 4%/năm, cao hơn so với tỉ lệ giảm nghèo chung của cả nước. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập của người dân tộc thiểu số đạt bình quân 42,7 triệu đồng/năm (tính đến ngày 31/12/2024), góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.

Các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước sinh hoạt), hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại hầu hết các địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn như tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp, năng lực tổ chức thực hiện tại cơ sở còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa thật sự nhịp nhàng, nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp cho đối tượng và địa bàn đặc thù... Đáng chú ý, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, nhưng đến hết tháng 3/2025 vẫn còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt. Các nhóm mục tiêu này gồm: Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Hội nghị tổng kết Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 giai đoạn I (2021-2025) dự kiến được tổ chức trong tháng 4/2025. Đây sẽ là dịp quan trọng để đánh giá toàn diện và khách quan về hiệu quả thực hiện Chương trình. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình trong giai đoạn II (2026-2030), với mục tiêu hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nguyên tắc xuyên suốt trong triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II là các bộ, cơ quan Trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý mục tiêu chung thông qua việc hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình theo tiến độ hàng năm và cả giai đoạn. Các địa phương chủ động hoàn toàn trong việc lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện bảo đảm theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm và cả giai đoạn theo quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhấn mạnh.

Đặc biệt, Chương trình phải bám sát nội dung 10 dự án thành phần được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó bảo đảm ưu tiên giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề "5 nhất" trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế-xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỉ lệ hộ nghèo cao nhất.

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS, miền núi để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn II (2026-2030)

Hiện nay, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đang đề xuất xây dựng Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II theo hướng tiếp tục duy trì các nhiệm vụ quan trọng trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 cho biết, các mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung những nội dung: Sắp xếp dân cư, xây dựng hạ tầng đồng bộ và kết nối liên vùng; phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống của người dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; xóa bỏ hủ tục lạc hậu; thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; bảo vệ an ninh biên giới và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Chương trình cũng đặt ra nhiều tiêu chí quan trọng, như: Hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong MTQG về phát triển bền vững đến năm 2030; thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt bằng 1/2 mức bình quân chung của cả nước; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10% và không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, Chương trình sẽ đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động tại các khu vực nông thôn, hằng năm thu hút 3% lao động của đồng bào dân tộc thiểu số sang các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ; 40% lao động dân tộc thiểu số thành thạo các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; 80% hộ nông dân dân tộc thiểu số tham gia vào kinh tế nông-lâm nghiệp hàng hóa; hơn 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; xóa bỏ tình trạng nhà ở tạm bợ; nâng cao chất lượng môi trường sống, tăng cường tỉ lệ che phủ rừng.

Đặc biệt, chú trọng vào việc giải quyết tình trạng di cư không theo kế hoạch của đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể, 100% hộ dân tộc thiểu số hiện đang cư trú phân tán, xa xôi, hẻo lánh hoặc trong các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất sẽ được quy hoạch, sắp xếp, di dời đến nơi ở mới an toàn và thuận tiện hơn, ông Hà Việt Quân chia sẻ.

Sơn Hào