ILO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19

15/04/2020 12:56

Chia sẻ với báo giới về những tác động của dịch Covid – 19 đối với thị trường lao động, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã đánh giá cao các gói chính sách kích thích của Chính phủ Việt Nam về kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), việc làm và thu nhập cho người lao động (NLĐ); đồng thời cho biết, cộng đồng quốc tế cũng như ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.

Báo cáo nhanh mới đây của ILO đã đưa ra những dự báo cập nhật về tình trạng mất việc làm và giảm số giờ làm việc nghiêm trọng trên toàn thế giới. Vậy tình hình của Việt Nam được dự báo như thế nào, thưa ông?

Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam, do chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với DN và việc làm. Chúng ta cần đợi tới khi công bố kết quả cuộc Điều tra Lao động Việc làm và DN do Tổng cục Thống kê đang thực hiện với sự hỗ trợ của ILO. Cũng đã có một số dự báo được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát, chẳng hạn như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo sẽ có 2 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng, và khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết 50% các DN tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid – 19 gây nên không được cải thiện. Nhưng hãy đợi đến khi kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê được công bố để có một bức tranh chính xác về hoạt động của DN và tình trạng mất việc làm.

ilo san sang ho tro viet nam trong cuoc chien chong dai dich covid 19

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng: Hầu hết các quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn, do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Theo những ước tính mới của ILO, các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố tuần trước cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.

Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.

Ở Việt Nam, những lĩnh vực này đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, chúng ta chỉ đang nói rằng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của DN và duy trì lực lượng lao động.

Vậy chúng ta cần phải làm gì với những lao động mất việc làm do dịch Covid – 19 gây nên, thưa ông?

Chúng ta chưa biết được chính xác mức độ khủng hoảng việc làm, do chưa có kết quả điều tra lao động việc làm mới nhất tại thời điểm này. Nhưng đã có những dấu hiệu không tốt như tôi đã đề cập, như dự báo hơn 2 triệu lao động cả nước có nguy cơ bị ảnh hưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chắc chắn là chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn mà tất cả mọi thành phần, không chỉ có Chính phủ mà cả DN, công đoàn và người lao động, phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do khủng hoảng gây nên.

Các DN khác nhau thì có những cái khó khác nhau. Có những DN không thể tồn tại được do năng suất và khả năng cạnh tranh thấp dù có xảy ra khủng hoảng do Covid-19 hay không. Nhưng cũng có DN khỏe mạnh trong điều kiện bình thường và có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ khi khủng hoảng do Covid-19 tăng đỉnh điểm nhằm nút lại lỗ hổng về tiền mặt, nguyên liệu thô và sự sụt giảm đột ngột trong nhu cầu và đơn hàng. Điều đó có nghĩa, hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới Covid-19 có triển vọng tích cực, do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo nhưng phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời. Chính phủ nên đưa các DN này vào diện đối tượng mục tiêu của các gói hỗ trợ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các DN nỗ lực nhất trong việc giữ NLĐ và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và NLĐ. Làm như vậy sẽ khuyến khích DN nỗ lực hết mình trong việc giữ NLĐ và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu Covid-19.

Về khía cạnh này, tôi tin rằng điều quan trọng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần phối hợp với nhau cùng ban hành hướng dẫn cho người sử dụng lao động và công đoàn trong việc quản lý khủng hoảng việc làm. ILO sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến như vậy.

Ông có lời khuyên nào về một khung chính sách hiệu quả để đối phó với đại dịch?

Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích về kinh tế, hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập. Chắc chắn có thể có những lĩnh vực có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với Covid-19 bao gồm: Kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập, và bảo vệ NLĐ tại nơi làm việc. Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu Covid-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

Tôi có ba điểm muốn nhấn mạnh: Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, DN nhiều khả năng sẽ phải cho thêm NLĐ nghỉ việc – điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống. Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ NLĐ và bảo vệ sức khỏe của NLĐ bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa DN và NLĐ, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận. Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và DN thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Về phương diện này, Việt Nam đã có một số sáng kiến hay, chẳng hạn như những gì Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa thực hiện.

Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế - xã hội. Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu DN siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.

Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO và các tổ chức Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Tâm (lược ghi)

Nguồn