HoREA đề xuất điều chỉnh nội dung thành lập Quỹ nhà ở quốc gia

02/04/2025 00:30

Thông tin với MarketTimes, HoREA cho biết vừa có đề xuất về việc nên thành lập Quỹ nhà ở quốc gia thay cho Quỹ nhà ở xã hội quốc gia như dự thảo hiện tại mà các cơ quan đang xây dựng.

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có giấy mời gửi các đơn vị liên quan về việc tham dự cuộc họp Hội đồng thẩm định “dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội” (Dự thảo) kèm theo Tờ trình số 1228/BXD-QLN ngày 28/03/2025 của Bộ Xây dựng về việc thẩm định “Dự thảo Nghị quyết” (tiếp thu UBPL ngày 28/03/2025).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết ngay sau khi nhận được văn bản nói trên từ Bộ Tư pháp đơn vị này đã có ý kiến thẩm định và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Dự thảo, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến thành lập Quỹ nhà ở quốc gia.

HoREA đề xuất điều chỉnh nội dung thành lập Quỹ nhà ở quốc gia- Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu

Theo đó, HoREA cho rằng, đối với nội dung thành lập “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” nên sử dụng cụm từ “phát triển nhà ở” thay thế cụm từ “phát triển nhà ở xã hội” trong tên gọi “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” để vừa bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thành lập “Quỹ nhà ở Quốc gia”.

Theo HoREA, đề xuất nói trên nhằm khuyến khích phát triển “nhà giá rẻ” tại các đô thị lớn, vừa có tính linh hoạt để sau này khi có điều kiện “luật hóa” chính sách phát triển “nhà giá rẻ” gồm 2 loại nhà là “nhà ở xã hội” và “nhà ở thương mại giá rẻ”.

Lý giải thêm về đề xuất nêu trên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc sử dụng từ “nhà ở” thay thế từ “nhà ở xã hội” trong tên gọi “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” để thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 77, điểm đ khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở 2023 quy định chính sách “hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mua, thuê mua nhà ở xã hội” và chính sách “ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi” nên trước mắt, để thực thi Luật Nhà ở 2023 thì “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” chỉ hỗ trợ nguồn vốn thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Châu, về lâu dài, khi “luật hóa” chỉ đạo về việc thành lập “Quỹ nhà ở Quốc gia” để phát triển “nhà giá rẻ” tại các đô thị lớn, mà “nhà giá rẻ” bao gồm 2 loại nhà là “nhà ở xã hội” và “nhà ở thương mại giá rẻ” thì tên gọi “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” có tính linh hoạt và bao trùm chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người yếu thế trong xã hội, trong đó có cơ chế hỗ trợ cho “người trẻ” mua “nhà ở thương mại giá rẻ”, mà không cần phải thay đổi tên gọi của “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia”.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng, việc “Dự thảo Nghị quyết Quốc hội” giao “Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển nhà ở quốc gia” là rất phù hợp và Hiệp hội đề xuất “Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia” nên được quản lý bởi “Hội đồng quản lý Quỹ” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Liên quan đến đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, các chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng đây là định hướng phù hợp để giải bài toán nhà ở đang rất bức thiết hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn, cho rằng tại những đô thị tập trung đông dân cư và người lao động như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… nhu cầu nhà ở đang tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn chậm, khiến tình trạng khan hiếm các sản phẩm này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, thành lập Quỹ nhà ở quốc gia là giải pháp đột phá, có tính khả thi, vừa giúp an sinh xã hội, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế và đô thị hóa. Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Tại một số khu công nghiệp, công nhân thường phải thuê nhà trọ với điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Tình trạng này cần phải sớm khắc phục.

Để thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, TS. Đính cho rằng Nhà nước cần có quy hoạch và quỹ đất rõ ràng cho phát triển quỹ nhà ở. Việc sử dụng hiệu quả quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu người dân.

Ngoài ra, cũng cần sự chung tay của cả người lao động. Đây là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản phải thể hiện rõ ràng hơn trách nhiệm trong hoạt động này.

Theo ông Quốc Anh, muốn nhiều người dân mua được nhà cần quan tâm đến nguồn vốn cho vay. Trước đó, dù đã có quỹ 120 ngàn tỷ đồng nhưng là do các ngân hàng đóng góp, vẫn hoạt động theo kiểu có lợi nhuận nên thực tế không hấp dẫn.

Nhưng nếu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia mà Nhà nước giữ vai trò điều phối, với lãi suất và thời gian vay hợp lý, người dân sẽ có cơ hội mua nhà. Quỹ này lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội của người dân để hỗ trợ chính người dân. Song, cần lưu ý đến cơ chế xét duyệt và giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả, minh bạch, tránh thất thoát.