Không xin lỗi người dân
Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra 2556/KL-TTCP về việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ GD&ĐT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (CCDVC) cho người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng.
Các tồn tại tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: Quản lý nhà nước về TTHC; ứng dụng công nghệ trong giải quyết TTHC và trách nhiệm công vụ của cán bộ liên quan.
Những sai sót này không chỉ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.
Theo Kết luận Thanh tra, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT với nội dung quy định chi tiết hồ sơ, yêu cầu, điều kiện của TTHC "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài" khi không được giao thẩm quyền, gây phát sinh các yêu cầu trái quy định.
Bộ chưa kịp thời tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi một số quy định bất cập trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài. Một số Dự thảo, Thông tư có quy định TTHC chưa được đánh giá tác động đầy đủ.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp TTHC được triển khai chậm và thiếu nghiêm túc. Tính đến thời điểm thanh tra, tỷ lệ thực thi phương án phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg chỉ đạt 10,5%.
Bộ GD&ĐT chưa triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, trong khi nhiều hồ sơ vẫn được nộp và xử lý trực tiếp, gây phiền hà cho người dân.
Việc số hóa hồ sơ TTHC chưa được thực hiện, khiến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, phần mềm không đồng bộ. Cổng dịch vụ công của Bộ chậm kết nối với Cổng DVC Quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
"Bộ GD&ĐT không có văn bản xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi quá thời hạn chưa giải quyết hoặc giải quyết quá thời hạn TTHC quy định là sai quy định tại khoản 5 Điều 12, khoản 9 Điều 19 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP", Kết luận nêu.
Hơn 400 văn bản quá hạn vẫn được báo đúng hạn
Kết luận nêu, trong số 37 TTHC được công bố, có tới 24 TTHC (chiếm 64,87%) được công bố quá thời hạn quy định. Ngoài ra, Bộ chưa công khai đầy đủ danh mục TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Một số quyết định công bố TTHC có hiệu lực không đúng mẫu, dẫn đến sai phạm trong việc áp dụng văn bản pháp luật.
Qua thanh tra phát hiện nhiều bất cập trong cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Theo đó, người đứng đầu bộ phận một cửa (BPMC) không công khai đầy đủ danh mục TTHC, không xử lý kịp thời các hồ sơ quá hạn và không thực hiện việc xin lỗi khi để xảy ra sai sót.
Trụ sở và trang thiết bị của BPMC của Bộ chưa đáp ứng quy định, trong khi công chức được phân công không thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tại đây. Trong 18 hồ sơ được kiểm tra, có 13 hồ sơ quá hạn, bao gồm một trường hợp chậm trễ tới 7 tháng.
Việc xử lý hồ sơ chưa phản ánh chính xác thực trạng. Theo đó, dù báo cáo định kỳ của Bộ gửi Chính phủ năm 2021 và 2022 ghi nhận tỷ lệ đúng hạn 100%, nhưng thực tế có tới 419 hồ sơ quá hạn, trong đó 3 TTHC có tỷ lệ quá hạn trên 50%.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát và sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan để đảm bảo đúng thẩm quyền, không làm phát sinh điều kiện gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; ban hành quy trình điện tử giải quyết TTHC theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nghiêm cấm việc yêu cầu bổ sung hồ sơ ngoài danh mục đã quy định; kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ với Cổng DVC Quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Đặc biệt, thực hiện xin lỗi công khai đối với các trường hợp chậm trễ trong giải quyết TTHC. Trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đối với 18 hồ sơ giải quyết TTHC được kiểm tra. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các hồ sơ được kiểm tra chưa đáp ứng thành phần hồ sơ theo quy định.
Cùng với đó, căn cứ Kết luận Thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp...