Có nhiều thông tin hữu ích được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện tên tuổi. Nhưng cũng có vô số bài viết quảng cáo thuốc, phương pháp điều trị... không được kiểm chứng. Hầu như bệnh nào cũng có những bài thuốc đặc trị, những cam kết điều trị dứt điểm, hiệu quả…, nhất là các bệnh mạn tính, bệnh dễ tái phát thì lại càng nhiều... thần dược!
Y học hiện đại hầu như không thể làm gì với những khối u trên da, ngoài phương pháp điều trị duy nhất là đốt điện (hoặc phẫu thuật). Vậy mà trên mạng quảng cáo vài loại thuốc chỉ cần bôi vào là từ nốt sẩn đến mụn cóc, mụn ruồi đều rụng cả! Tôi thử hỏi mấy nhà thuốc lớn nhưng đều không bán, chỉ có thể mua qua mạng từ chính nhà phân phối.
Với bệnh đái tháo đường, chỉ cần "ngày 1 gói" thì sẽ "đưa đường huyết về mức tuyệt vời", thậm chí có bài thuốc còn tuyên bố khỏi hẳn?!
Mới đây, tôi nội soi tiêu hóa, phát hiện bị bệnh trào ngược dạ dày mức độ B. Bác sĩ bảo phải uống thuốc đúng liều lượng trong vài tháng nhằm tránh tái phát và biến chứng viêm nhiễm thực quản.
Vậy mà lên mạng thấy có một vị bác sĩ nói chỉ cần 5 ngày là dứt điểm trào ngược dạ dày, hết khuẩn HP, viêm hang vị... Có điều ông không nói rõ chữa như thế nào, thuốc gì... mà ai cần cứ "để lại số điện thoại".
Điều đáng nói là hầu như các loại thuốc, thực phẩm chức năng... được quảng cáo một cách rầm rộ, công khai và phóng đại trên mạng đều có giấy chứng nhận. Vậy thực hư thế nào, việc quảng cáo có sai phạm, các loại thuốc có được kiểm định trước khi lưu hành, các cơ quan chức năng sẽ có động thái gì trước vấn đề có thể xem là bất thường đó?