Hô biến F-16 thành chiến đấu cơ tàng hình với lớp sơn “thần thánh”

12/06/2024 08:11

Điều làm tiêm kích F-16 Block 70 của Không quân Bulgaria khác biệt là lớp sơn cải thiện khả năng tàng hình của “Rắn hổ lục”.

Không lâu nữa các máy bay chiến đấu F-16 Block 70/72 mà Bulgaria đặt hàng từ nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ sẽ xuất xưởng. Quốc gia Đông Âu dự kiến sẽ nhận lô hàng đầu tiên vào quý I/2025.

Tiêm kích F-16 Block 70/72, hay còn gọi là F-16V (Viper - Rắn hổ lục), là phiên bản mới nhất và mạnh nhất trong gia đình chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon.

Điều làm những chú “Rắn hổ lục” của Không quân Bulgaria khác biệt là lớp sơn “Have Glass” giúp giảm đáng kể tiết diện phản xạ radar – bí quyết giúp những tiêm kích này trở nên “tàng hình” hơn so với nguyên bản và tất nhiên là sẽ “đáng gờm” hơn trong không chiến.

Lớp sơn “thần thánh”

Thông tin về lớp sơn “thần thánh” được ông Aneesh R. Datta, đại diện bộ phận hợp tác công nghiệp của Lockheed Martin, đưa ra trong cuộc phỏng vấn bên lề HEMUS 2024 – triển lãm quốc phòng và an ninh quốc tế lớn nhất Bulgaria ở thành phố Plovdiv, với Janes – công ty tình báo nguồn mở toàn cầu chuyên về các chủ đề quân sự, an ninh quốc gia, hàng không vũ trụ và vận tải.

Lớp sơn “Have Glass” trên F-16 Fighting Falcon là lớp phủ chuyên dụng được thiết kế để giảm thiểu tiết diện phản xạ radar (RCS) của máy bay chiến đấu. Nó kết hợp trực tiếp vật liệu hấp thụ radar (RAM) vào sơn, khiến tiêm kích khó bị hệ thống radar của đối phương phát hiện hơn, tức “tàng hình” hơn.

Công nghệ - Hô biến F-16 thành chiến đấu cơ tàng hình với lớp sơn “thần thánh”

Mô hình F-16 Block 70 sơn màu của Không quân Bulgaria được trưng bày tại Triển lãm HEMUS 2024. Ảnh: Janes

Thực ra khả năng “tàng hình” ở đây nghĩa là khả năng bị quan sát thấp (LO), giúp cho máy bay trở nên vô hình trước radar. Tuy nhiên, trong trường hợp tiết diện phản xạ radar (RCS) được giảm thiểu, tiêm kích sẽ xuất hiện trông có vẻ “nhỏ hơn” trên radar và có thể bị địch phát hiện muộn hơn, ở phạm vi ngắn hơn.

Các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ngày nay có LO thấp nhờ thiết kế tối ưu ngay từ đầu với RCS được giảm thiểu tối đa và vật liệu chuyên dụng tiên tiến.  Sáng kiến “Have Glass” là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm tích hợp các công nghệ tàng hình vào các máy bay đời thấp hơn, từ đó kéo dài khả năng hoạt động và khả năng sống sót của chúng.

Bằng cách khoác lên F-16 lớp phủ “Have Glass”, hiệu suất của tiêm kích sẽ được nâng cao đáng kể trong môi trường chiến đấu hiện đại, nơi khả năng tàng hình ngày càng trở nên quan trọng.

Thành phần chính của sơn “Have Glass” là một lớp các hạt sắt từ được nhúng bên trong lớp phủ. Những hạt này hoạt động bằng cách hấp thụ và tiêu tán sóng radar thay vì phản xạ chúng trở lại nguồn radar, từ đó làm giảm cường độ tín hiệu phản hồi của radar và khiến máy bay khó bị phát hiện hơn.

Ngoài các hạt sắt từ, lớp sơn “Have Glass” còn có một lớp dẫn điện được thiết kế để phân tán sóng radar. Hiệu ứng tán xạ này khiến các hệ thống radar khó xác định chính xác máy bay hơn bằng cách chia nhỏ và phân tán sóng radar theo nhiều hướng, thay vì cho phép tín hiệu mạnh, mạch lạc quay trở lại.

Công nghệ - Hô biến F-16 thành chiến đấu cơ tàng hình với lớp sơn “thần thánh” (Hình 2).

Phái đoàn từ Bulgaria thăm nhà máy của Lockheed Martin ở Greenville, Nam Carolina, để xem tiến độ trên dây chuyền sản xuất F-16, tháng 1/2024. Ảnh: Airforce Technology

Trở lại với cuộc phỏng vấn của ông Datta, vị chuyên gia đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự hợp tác giữa Lockheed Martin và nhà máy sửa chữa máy bay Avionams giàu kinh  nghiệm của Bulgaria trong các vấn đề liên quan đến tiêm kích F-16, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: hHệ thống điện, thủy lực và bảo trì khung gầm.

Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng của Lockheed Martin rằng Bulgaria sẽ hoàn thành thành công việc nâng cấp cần thiết tại Căn cứ Không quân Graf Ignatievo. Việc nâng cấp này rất quan trọng để chuyển đổi căn cứ, trước đây là nơi đặt máy bay MiG-29, thành nơi chứa các máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 Block 70 mới.

Biến thể mạnh nhất

F-16 Block 70, còn gọi là F-16V, là phiên bản tiên tiến của F-16 Fighting Falcon, một máy bay chiến đấu đa nhiệm ban đầu được phát triển bởi General Dynamics và hiện do Lockheed Martin sản xuất.

Biến thể Block 70 kết hợp nhiều nâng cấp về hệ thống điện tử hàng không, cải tiến về cấu trúc và tích hợp hệ thống, khiến nó trở thành một trong những phiên bản mạnh nhất của gia đình chiến đấu cơ F-16.

Kích thước của F-16 Block 70: Dài khoảng 49,3 feet (15,03 m), sải cánh 32,8 feet (9,96 m), cao 16,7 feet (5,09 m). Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 48.000 pound (21.772 kg), cho phép nó mang theo một lượng lớn vũ khí và nhiên liệu.

Hệ thống đẩy của F-16 Block 70 được trang bị một động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F100-PW-229 hoặc General Electric F110-GE-129. Những động cơ này cung cấp lực đẩy lên tới 29.000 pound (13.154 kg), cho phép máy bay đạt tốc độ vượt Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh) và mang lại khả năng cơ động cũng như hiệu suất vượt trội trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.

Công nghệ - Hô biến F-16 thành chiến đấu cơ tàng hình với lớp sơn “thần thánh” (Hình 3).

F-16 Block 70/72 là phiên bản mới nhất và mạnh nhất trong gia đình chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon. Ảnh: Simple Flying

Các đặc tính kỹ thuật của F-16 Block 70 bao gồm các hệ thống radar tiên tiến, chẳng hạn như Radar AN/APG-83 có chùm tia chiếu xạ linh hoạt có thể mở rộng (SABR) của Northrop Grumman. Radar này cung cấp khả năng phát hiện, theo dõi và tiếp cận mục tiêu được cải thiện, nâng cao khả năng nhận biết tình huống và hiệu quả chiến đấu của máy bay.

Bộ hệ thống điện tử hàng không của F-16 Block 70 có các hệ thống hiện đại, bao gồm buồng lái hiện đại hóa với màn hình lớn, độ phân giải cao, máy tính nhiệm vụ tiên tiến và khả năng liên kết dữ liệu nâng cao. Những nâng cấp này cung cấp cho phi công các công cụ quản lý thông tin và ra quyết định tốt hơn trong các nhiệm vụ.

F-16 Block 70 tích hợp một số hệ thống từ chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ thứ 5, chẳng hạn như bộ tác chiến điện tử (EW) tiên tiến, bao gồm máy thu cảnh báo radar, khả năng gây nhiễu và hệ thống biện pháp đối phó. Những cải tiến này cải thiện khả năng sống sót của máy bay trong môi trường xung đột.

Các loại vũ khí mà F-16 Block 70 có thể mang theo rất đa dạng và bao gồm các tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM và AIM-9X Sidewinder, các loại đạn không đối đất như AGM-65 Maverick, và bom dẫn đường chính xác như GBU-12 Paveway II và GBU-31 JDAM.

Ngoài ra, “Rắn hổ lục” có thể được trang bị nhiều loại thùng nhiên liệu bên ngoài, hệ thống nhắm mục tiêu và hệ thống trinh sát để hỗ trợ nhiều loại nhiệm vụ.

Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Key.Aero)