Từ năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định giảm tác hại thuốc lá là một trong những trụ cột chiến lược song hành cùng mục tiêu xóa bỏ việc hút thuốc lá điếu.
Tuy nhiên khi triển khai, các sản phẩm thuốc lá không khói, dù đã được WHO xác nhận giảm hàm lượng các chất gây hại so với thuốc lá điếu, nhưng cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn đối với mọi loại sản phẩm thuốc lá.
Hiện các cuộc tranh luận không ngừng diễn ra trên toàn cầu, kêu gọi WHO nhìn nhận tiềm năng giảm tác hại và thay thế thuốc lá điếu của các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá không đốt cháy) đã qua kiểm nghiệm, tương tự như các liệu pháp thay thế nicotine (NRT) khác.
WHO đã công nhận vai trò của các sản phẩm có hàm lượng chất gây hại thấp từ rất sớm
Vấn đề giảm tác hại của thuốc lá với mục tiêu khuyến nghị giảm hàm lượng hoặc các thành phần độc hại trong khói thuốc đã được WHO và các cơ quan cố vấn thiết lập cách đây gần 3 thập kỷ.
Năm 1997, tại Hội nghị bàn tròn do Cơ quan đầu mối Liên Hợp Quốc (UN) về Thuốc lá và Sức khỏe tổ chức, 3 chiến lược được đưa ra để ứng phó với tỷ lệ tử vong và bệnh tật do thuốc lá. Trong đó bao gồm ngăn chặn việc hút thuốc ngay từ đầu, hỗ trợ cai thuốc và giảm phơi nhiễm với chất độc cho các đối tượng không thể hoặc chưa muốn từ bỏ thuốc lá.
Năm 2000, Hội nghị quốc tế của WHO tại Oslo xem xét đến quyền lợi và nhu cầu giảm thiểu tác hại của người dùng bằng cách đưa ra loạt khuyến nghị cho các Quốc gia thành viên kiểm soát thuốc lá với nguyên tắc cốt lõi: Giảm phơi nhiễm.
Tháng 11/2003, WHO thành lập Nhóm Nghiên cứu về quy định các sản phẩm thuốc lá (TobReg). TobReg nhận định lý do các sản phẩm thuốc lá không khói được phát triển và nhìn nhận về mặt y tế, nằm ở tiềm năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu. Tuy nhiên, tổ chức này nhấn mạnh: Hiệu quả này chỉ có thể đạt được khi người dùng chuyển đổi hoàn toàn sang các lựa chọn ít độc hại hơn.
Năm 2007, TobReg tiếp tục khẳng định rằng việc giảm hàm lượng chất độc hại trong khói thuốc là mục tiêu thiết thực và có giá trị.
Năm 2015, WHO khuyến khích phát triển và cải tiến các sản phẩm nicotine mới để thay thế những loại độc hại hơn, đồng thời tăng cường giám sát, quản lý sản phẩm hiện hành. Tổ chức này nhấn mạnh, việc thúc đẩy thuốc lá không khói ít gây hại hoặc ít gây nghiện hơn là một trong những hướng tiếp cận toàn diện để giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật do thuốc lá, đặc biệt ở người không thể hoặc chưa sẵn sàng cai thuốc.
Đầu năm 2017, WHO đưa ra định nghĩa về các sản phẩm thuốc lá không khói, gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN). Theo đó, TLĐT là thiết bị không đốt mà hóa hơi dung dịch có hoặc không chứa nicotine hóa lỏng. Còn TLNN dùng công nghệ điện tử gia nhiệt nguyên liệu lá thuốc lá tự nhiên, tạo khí hơi có chứa nicotine trực tiếp từ thuốc lá.
Chưa có lời giải vì sao WHO vẫn từ chối vai trò của các giải pháp thay thế, dù công nhận khoa học
Kỳ họp các bên về Kiểm soát Thuốc lá lần 5 (COP5) năm 2012 nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang giải pháp thay thế phải đi đôi với chính sách quản lý nghiêm ngặt, vừa ngăn chặn sự tiếp cận của giới trẻ, vừa đáp ứng nhu cầu của người trưởng thành.

Kỳ COP5 năm 2012
Nội dung của COP6 tập trung vào đề xuất ngăn chặn người không hút thuốc và thanh thiếu niên bắt đầu tiếp cận thuốc lá không khói, đồng thời kiểm soát thuốc lá khỏi ảnh hưởng của lợi ích thương mại.
Tiếp đó, tại COP7, WHO trình bày báo cáo kỹ thuật và kêu gọi các bên liên quan giám sát, báo cáo tiến triển trên thị trường.
Đến nay WHO và các cơ quan kỹ thuật của tổ chức này vẫn chưa có thêm bất kỳ nghiên cứu nào đối với các sản phẩm thuốc lá không khói về mặt khoa học để từ đó đưa ra khuyến nghị kiểm soát dựa trên khoa học về tính chất nguy hại. Hiện thuốc lá điếu vẫn là sản phẩm độc hại nhất, nhưng vẫn là sản phẩm hợp pháp trên toàn cầu. Trong khi đó, các sản phẩm giảm hàm lượng chất gây hại so với thuốc lá điếu đã được cơ quan này thừa nhận, lại chưa có phương án quản lý thống nhất như thuốc lá điếu.
Theo bình luận của 2 cựu lãnh đạo WHO là GS. Robert Beaglehole và GS. Ruth Bonita trên tạp chí y tế The Lancet: "Việc WHO thiếu kiểm chứng về chiến lược giảm tác hại thuốc lá sẽ hạn chế những lựa chọn ít tác hại hơn cho 1,3 tỷ người hút thuốc trên toàn cầu, cũng như khiến tỉ lệ người trẻ tử vong cao hơn".
Điển hình, tại Việt Nam – nước đã tham gia vào Công ước FCTC từ rất sớm, hiện chưa có ghi nhận về việc WHO cung cấp hướng dẫn cụ thể cho cơ quan quản lý y tế trong nước về chiến lược giảm tác hại do WHO toàn cầu thiết lập nêu trên, cũng như xem xét các giải pháp thay thế ít gây hại hơn cho người hút thuốc. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn trong việc có những tham chiếu cụ thể cho các cơ quan y tế về việc triển khai chiến lược giảm tác hại toàn diện, hướng tới việc giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho người hút thuốc tại Việt Nam.
GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại Học Khoa học Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh thông tin, một số quốc gia trên thế giới như Anh, Philipines hiện đang áp dụng những biện pháp cai nghiện trung gian như chuyển sang các dược phẩm nicotine thay thế (NRT) như miếng dán, kẹo ngậm nicotine, hoặc các sản phẩm thuốc lá thay thế không đốt cháy đã được kiểm nghiệm khoa học… Các biện pháp này loại bỏ quá trình đốt cháy tạo ra khói, từ đó giảm nguy cơ từ khói thuốc, sau đó kết hợp cùng nâng cao nhận thức giúp người dùng tiến tới cai hoàn toàn thuốc lá.
Trong khi đó, Mỹ, Nhật, Anh, Canada hay New Zealand là các quốc gia điển hình đã thu hoạch được quả ngọt khi đẩy mạnh chính sách giảm tác hại thuốc lá bằng các sản phẩm thay thế không khói. Các quốc gia này làm rõ chuỗi nguy cơ từ cao đến thấp của các loại thuốc lá khác nhau, thay vì cực đoan chọn phương án cấm tất cả các loại thuốc lá mới này.
Chính phủ Canada công khai khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi hoàn toàn sang TLĐT nếu đã thử các biện pháp cai thuốc lá không thành công. Thậm chí, Bộ Y tế Canada còn cởi mở thảo luận với một số công ty thuốc lá về việc phát triển các sản phẩm thuốc lá mới nhằm giảm tác hại.

Công bố về sản phẩm giúp giảm tác hại thuốc lá trên website chính phủ Canada
Thu Hà