Tại hội thảo "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Đại tá. TS. Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khái quát về quân đội Nhân dân Việt Nam từ toàn quốc kháng chiến đến Giải phóng Thủ đô.
Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"99; quân và dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng vùng lên, chủ động nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", lực lượng vũ trang vũ trang Thủ đô đã viết nên bản hùng ca Mùa đông 1946. Thắng lợi của lực lượng vũ trang Thủ đô trong 60 ngày đêm chiến đấu cũng là thắng lợi của quân đội cách mạng.
Chiến công trên đường phố Thủ đô đã tiếp thêm tinh thần, ý chí cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn chiến đấu, giành thắng lợi từng bước để đi đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi chiếm được các thành phố Bắc Vĩ tuyến 16, thực dân Pháp mở các cuộc hành binh mở rộng vùng chiếm đóng. Với tham vọng của chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp quyết thực hiện bằng được chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" nên đã mở cuộc hành quân lên núi rừng Việt Bắc, hòng thực hiện "cuồng vọng" bắt Chính phủ kháng chiến, đập tan căn cứ địa để kết thúc chiến tranh.
Quân đội ta đã phát huy được lối đánh sở trường, đưa cách đánh du kích vào loại hình chiến dịch, lập nên những thắng lợi vang dội ở Đầm Hồng, Đoan Hùng, Bông Lau, Sơn Dương, bẻ gãy các mũi tiến quân của thực dân Pháp. Sau hơn hai tháng chiến đấu (từ ngày 7.10 đến ngày 20.12.1947), đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 50 tàu, ca nô, phá hủy 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng các loại. Đây là chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta và đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược "Đánh nhanh, thắng nhanh" của Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa Trung ương, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới.
Theo Đại tá. TS Lê Thanh Bài, cuối năm 1949, đầu năm 1950, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân ta "thoát khỏi vòng vây quân thù", mở đường giao lưu quốc tế. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, đến giữa năm 1951, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy đã có 5 đại đoàn bộ binh và một đại đoàn công binh, pháo binh.
Đó là sự lớn mạnh cả về quy mô và khả năng tác chiến; đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, mở được những chiến dịch tiến công. Trong vòng 6 tháng, từ ngày 25/12/1950 – 20/6/1951, ta đã mở ba chiến dịch: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (12/1950); chiến dịch Hoàng Hoa Thám (3/1951); chiến dịch Quang Trung (5/1951). Đây là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Ra đi trong khói lửa, trở về trong hào quang chiến thắng
Nhằm đẩy mạnh thế tiến công, trước sự phát triển về lực lượng cũng như trình độ tác chiến, mùa thu năm 1952, Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng tiến công lên miền Tây Bắc. Vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào được nối thông. Ta giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.
Đến giữa năm 1953, thế và lực của kháng chiến được tăng cường, quân và dân ta đã trưởng thành trên nhiều mặt, đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng chiến lược, mở rộng và củng cố vùng tự do, xây dựng thêm nhiều căn cứ du kích vững mạnh trong vùng sau lưng địch, đánh bại âm mưu bình định và phản công quyết liệt của chúng; giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta.
"Trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953 Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có", Đại tá.TS Lê Thanh Bài cho biết.
Trong đó, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải chấp nhận đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã buộc thực dân Pháp phải rút quân ra khỏi Đông Dương, cùng với miền Bắc, Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Đại tá.TS Lê Thanh Bài cho biết nhấn mạnh, thành công đó được bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của Nhân dân, sự nỗ lực hết mình của cán bộ, chiến sĩ của đội quân cách mạng.
"Ngày 10/10/1954, đoàn quân ra đi từ những ngày Toàn quốc kháng chiến hân hoan trở về trong sự chào đón của đồng bào Thủ đô. Ra đi trong khói lửa - trở về trong hào quang chiến thắng. Đó là kết quả của chặng đường chiến đấu gian khổ, hy sinh, vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng, lấy chiến trường làm nơi rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ tác chiến tiến tới đánh bại các âm mưu, kế hoạch của kẻ thực dân xâm lược", Đại tá.TS Lê Thanh Bài nói tại Hội thảo.
Trên đường về tiếp quản Thủ đô, đội quân chiến thắng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", tiếp tục rèn luyện, xây dựng lực lượng, chiến đấu vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Thực hiện xuất sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, góp phần to lớn đưa đất nước: "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Gia Huy