Hải Phòng ngăn chặn cháy rừng mùa hanh khô

22/10/2024 12:05

(Chinhphu.vn) - Sở NN&PTNT Hải Phòng đã đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức điều tra, thống kê diện tích, vị trí, đối tượng quản lý và diện tích rừng bị ảnh hưởng để đánh giá thiệt hại và phục hồi rừng.

Hải Phòng ngăn chặn cháy rừng mùa hanh khô- Ảnh 1.

Vườn quốc gia Cát Bà có lượng lớn thảm thực bì, lá và cành khô bị rụng, gãy đổ sau bão gây nguy cơ hỏa hoạn rất cao

Mặc dù không gây thiệt hại về người và tài sản, các vụ cháy rừng này đã ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ sinh thái. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự bất cẩn trong việc sử dụng lửa của người dân, bao gồm đốt vàng mã, đốt rác và khai thác mật ong.

Việc hàng nghìn ha rừng có cây gãy đổ, lá rụng đúng vào mùa hanh khô khiến nguy cơ cháy rừng cao chưa từng thấy, do đó, cần sự chung tay và quyết liệt vào cuộc của các đơn vị, địa phương để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng quý giá với những giải pháp hữu hiệu.

Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, diện tích rừng trên địa bàn thành phố là 14 nghìn ha, bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng ven biển. Rừng tự nhiên chiếm hơn 9 nghìn ha, rừng trồng hơn 4,1 nghìn ha và diện tích mới trồng chưa đạt tiêu chuẩn là hơn 572 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố là 8,67%.

Sở NN&PTNT Hải Phòng đã đề nghị UBND các quận, huyện tổ chức điều tra, thống kê diện tích, vị trí, đối tượng quản lý và diện tích rừng bị ảnh hưởng để đánh giá thiệt hại và phục hồi rừng.

Các địa phương cần quản lý rừng chặt chẽ, ngăn chặn phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép. Huy động nguồn lực từ các tổ chức và cộng đồng để thực hiện vệ sinh rừng, đặc biệt tập trung vào khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cần được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

Đối với những diện tích rừng bị thiệt hại trên 70%, việc phục hồi rừng cần được ưu tiên, đảm bảo tính bền vững. Sở NN&PTNT sẽ nghiên cứu, tổng hợp và xây dựng phương án trồng lại rừng, sử dụng nguồn ngân sách trồng rừng thay thế từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, trong những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR tại Hải Phòng được chú trọng và chỉ đạo chặt chẽ. Diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển được quản lý, bảo vệ tốt.

Công tác PCCCR được triển khai kịp thời và hiệu quả, đồng thời tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đều được thực hiện đúng phương châm "bốn tại chỗ". Khi có sự cố cháy rừng xảy ra, đã có biện pháp cứu chữa kịp thời để ngăn chặn lửa lan rộng và thiệt hại nghiêm trọng đến rừng.

Tuy vậy, việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở Hải Phòng đang gặp khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở và cơ sở hạ tầng phục vụ chưa hoàn thiện, cần được cần đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông phục vụ xe chữa cháy rừng, tuần tra rừng, chòi canh lửa cảnh báo cháy rừng, hồ, bể chứa nước phục vụ chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng đang thiếu hụt về số lượng cán bộ và trang thiết bị, cần được tăng cường nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy.

"Với những giải pháp đồng bộ, thành phố Hải Phòng sẽ chủ động hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng quý giá, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội bền vững".

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đánh giá nguy cơ cháy rừng hiện nay đang hiện hữu, do vậy công tác phòng cháy chữa cháy rừng cần phải được tăng cường, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Thọ nhấn mạnh việc xác định rõ chủ rừng và diện tích rừng bị thiệt hại là vô cùng quan trọng. Đồng thời, việc phân loại cây bị thiệt hại, thu gom, quét dọn phần cây gẫy rụng cũng cần được thực hiện khẩn trương để tránh gây thiệt hại và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Ngoài ra, công tác khoanh vùng rừng, ngăn chặn cháy lây lan là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự PCCCR cho người dân và phát huy hiệu quả hoạt động của các "tổ liên gia an toàn PCCC" cũng cần được chú trọng.

Ông Thọ cũng đề nghị sự chung tay của mọi người dân và các cơ quan chức năng. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng là yếu tố then chốt để đảm bảo công tác PCCCR được thực hiện hiệu quả. Việc phân công cán bộ chuyên trách bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn có rừng, các cơ quan, đơn vị và ngành liên quan là hết sức cấp thiết.

Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng được giao thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ rừng trong việc thực hiện công tác PCCCR. Còn Công an thành phố Hải Phòng được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các hành vi sai phạm trong công tác PCCCR, giáo dục học sinh và phòng ngừa chung.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bảo vệ rừng từ phát triển sinh kếBảo vệ rừng từ phát triển sinh kế
Tham khảo thêm
Bổ sung chế độ, chính sách cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừngBổ sung chế độ, chính sách cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng