
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm tập kết hàng hoá. Ảnh: Internet
Nhiều vụ vi phạm hàng giả điển hình
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, trong đó có thực phẩm sữa, nhất là trong tháng cao điểm. Trong 6 tháng năm 2025, Chi cục đã kiểm tra 645 vụ, phạt hành chính hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị đã thu giữ 232 nghìn sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, trong đó có khoảng 39 tấn sản phẩm đông lạnh.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu một số vụ việc điển hình thời gian qua. Thứ nhất là việc phát hiện các vi phạm tại cơ sở sản xuất bánh kẹo tại La Phù. Qua kiểm tra, đơn vị đã thu giữ hơn 23.000 sản phẩm. Toàn bộ các sản phẩm này đều có dấu hiệu vi phạm nguồn gốc xuất xứ. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội, Chi cục đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an điều tra.
Vụ việc thứ hai, qua kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn Hà Nội, Chi cục đã phát hiện và tạm giữ 2,5 tấn gạo có dấu hiệu giả mạo.
Vụ việc thứ ba liên quan đến mặt hàng sữa, Chi cục đã phát hiện 3.000 lon sữa bột không có nhãn mác. Ngoài ra, Chi cục còn phát hiện hàng nghìn hộp, túi sữa có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa hạn sử dụng...
Các vụ việc trên đều được chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng và đa dạng của sản phẩm, lực lượng chức năng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Ông Dương Mạnh Hùng chia sẻ: "Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đa số các đối tượng này thường hoạt động ở phạm vi rộng, trên tuyến đường liên tỉnh, liên tuyến; tổ chức sản xuất ở những nơi hẻo lánh, vùng giáp ranh các tỉnh, thành phố... Nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử, mạng xã hội để che giấu hành vi vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.
Mặt khác, các đối tượng dễ dàng lập nhiều tài khoản khác nhau trên Zalo, Facebook, Tiktok…, không có địa chỉ hay kho hàng cố định, mà chủ yếu quảng bá sản phẩm trên website, mạng xã hội, rồi chuyển sản phẩm qua chuyển phát nhanh, thanh toán trực tuyến... nên quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn".
Bên cạnh đó, theo ông Dương Mạnh Hùng, công tác phối hợp thông tin giữa các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa đồng bộ nhất. Công tác giám định, đánh giá chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu hàm lượng sản phẩm cũng như phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Công tác lưu giữ, bảo quản hàng hóa sau khi bị bắt giữ cũng là vấn đề khó khăn vì hiện nay, hệ thống kho còn đang thiếu.
Thủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm
Đại diện cơ quan quản lý thị trường, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước sự phát triển nhanh của xã hội và thực tiễn đời sống, các quy định về an toàn thực phẩm hiện nay bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là về quản lý việc buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng trên môi trường thương mại điện tử.
Cụ thể, còn thiếu quy định rõ ràng về việc quản lý, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với các đơn vị vận tải, đơn vị giao hàng, cơ sở kinh doanh… Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội cũng như trên các ứng dụng xã hội ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn.
Theo quy định, các cơ sở kinh doanh này phải thông báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không ít cơ sở không thực hiện việc này, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định địa điểm sản xuất, kinh doanh, kho tập kết hàng hóa cũng như công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Bên cạnh đó, hình thức hoạt động của một số đơn vị kinh doanh trực tuyến ngày càng tinh vi (như một số trường hợp gần đây là có sự tham gia của người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội).
"Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cụ thể hóa chủ trương của thành phố là Thủ đô không thể để tình trạng mất an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ tuyên chiến quyết liệt hơn nữa với hàng giả, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng", ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề tuyên truyền và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương, ông Dương Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, người tiêu dùng cần trở thành những người tiêu dùng thông thái. Người dân cần lựa chọn các trang web uy tín, mua sản phẩm chính hãng và tham khảo kỹ đánh giá, phản hồi, bình luận từ người dùng khác về chất lượng của sản phẩm đó trước khi quyết định mua.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động bảo vệ sản phẩm của mình thông qua việc sử dụng mã QR để người tiêu dùng có thể tự kiểm tra, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. "Mọi người dân đều có thể trở thành người quản lý thị trường", ông Hùng nói.
Diệu Anh