- Hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, mức sống cao hơn, song thể chất của người trẻ ở Trung Quốc lại ngày càng suy giảm do lối sống lười vận động.
Công viên Olympic Forest ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trở nên đông đúc hơn sau khi mặt trời lặn. Nhiều người lớn và trẻ em thường đến đây đi bộ hoặc tập luyện sau bữa tối.
Nhưng người ta ít thấy bóng dáng của thanh thiếu niên vì lúc ấy, họ phải ở nhà, làm bài tập. Do đó, không ít bạn trẻ ngày càng học tốt nhưng lại yếu và lười biếng hơn.
Theo 7 cuộc khảo sát toàn quốc về sức khỏe của thanh thiếu niên Trung Quốc từ năm 1985 đến năm 2014, phần lớn người trẻ hiện nay đều được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, tuy nhiên thể chất ngày một giảm sút. Họ cao, to hơn nhưng béo lên, thị lực cũng kém đi.
Thanh thiếu niên Trung Quốc hiếm khi đến công viên tập thể dục. Ảnh: China Daily. |
Theo các nhà nghiên cứu, lười tập thể dục là thủ phạm chính của hiện trạng này.
“Năm 1989, nam sinh sẽ trượt môn Thể dục nếu chạy 1.000 m quá 3 phút 55 giây. Tuy nhiên, mức thời gian này đã tăng lên 4 phút 32 giây vào năm 2014”, Wang Zongping - chuyên gia về vận động cơ thể tại Đại học Bách Khoa Nam Kinh - cho hay.
“Cuộc khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy hơn nửa nam sinh cấp trung học cơ sở trở lên không thể hít xà đơn”, Wang nói thêm.
Thậm chí, khi vào đại học, nhiều bạn trẻ vẫn duy trì lối sống lười vận động. Theo kết quả khảo sát, hơn 84% sinh viên tập thể dục ít hơn một giờ mỗi ngày, 27% miễn cưỡng chạy. Thay vào đó, họ dành phần lớn thời gian làm bài tập hoặc lên mạng.
Phần lớn học sinh Trung Quốc chỉ tập trung học và lười vận động dẫn đến thể chất ngày một kém. Ảnh: China News. |
Theo China Daily, thể chất của người trẻ giảm một phần bắt nguồn từ cha mẹ. Do chính sách một con nghiêm ngặt ở Trung Quốc, đa số thanh thiếu niên đều là con duy nhất trong nhà nên thường được nuông chiều và bảo vệ.
Những năm 1980, học sinh rất thích các hoạt động thể dục thể thao. Nhưng đến giai đoạn 1990, nhiều phụ huynh yêu cầu giảm tải chúng vì “nếu các em bị thương khi đến lớp, lỗi là ở nhà trường”, Shi Fei - một giáo viên thể dục - nói.
“Bị thương là chuyện bình thường trong quá trình tập luyện, giúp con người hiểu rõ hơn về cơ thể mình.
Chúng ta thường chú trọng phát triển IQ cho trẻ, song lại ít quan tâm đến các kỹ năng vận động, tinh thần đồng đội và độ dẻo dai của chúng. Đây là những yếu tố 'vô hình' có thể thấy rõ thông qua những hoạt động ngoài trời”, Wang nhận định.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc lo ngại các con sẽ bị thương khi hoạt động thể dục thể thao. Ảnh: Torrancecs. |
Trước tình trạng đáng báo động về lối sống chưa khoa học của thế hệ trẻ, chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các dự án nhằm mở rộng không gian dành cho thể dục thể thao.
Theo đó, trung bình mỗi người dân sẽ có ít nhất 2,3 m2 để tập luyện vào năm 2030, thay vì 1,5 m2 như hiện nay.
Cụ thể, khu vực dành cho các hoạt động đạp xe, chạy và sân chơi đều được làm mới hoặc mở rộng. Kế hoạch này cũng kêu gọi giới trẻ tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần một giờ.
Theo Phương Thảo
(ZingNews)