Đây là đánh giá của GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại hội nghị hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục diễn ra sáng ngày 19/8.
GS.TS Nguyễn Thị Doan bày tỏ: "Năm học 2023-2024 là năm học bứt phát của ngành giáo dục khi giáo dục đại trà và giáo dục mũi mọn được nâng lên đáng kể. Chúng ta chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực tư duy của nhà trường. Số lượng và chất lượng quả nhà nhà giáo được nâng lên, quản lý giáo dục có nhiều điểm mới".
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, bà Doan nhấn mạnh còn nhiều điểm nghẽn cơ bản đòi hỏi các cấp các ngành phải dồn sức giải quyết. Trong đó, chất lượng đội ngũ giáo viên là vấn đề cần quan tâm và coi đó là nội dung then chốt.
Ở đây, bà Nguyễn Thị Doan đặt ra câu hỏi thế hệ giáo viên hiện nay phần lớn đang ở độ tuổi Gen Y - thế hệ đã có sự thay đổi, bắt đầu bứt phá, dám đổi mới nhưng chất lượng giáo viên của thế hệ này vẫn không thực sự được nâng lên.
"Trong khi học sinh chúng ta đang đào tạo là nhóm Gen Z và Gen Alpha, các em "đắm mình" trong công nghệ. Vì vậy đội ngũ giáo viên phải nắm bắt để đổi mới trình độ. Chúng ta phải đánh giá được học sinh đang ở đâu để từ đó giáo viên phải thay đổi, nắm bắt công nghệ để mới có thể giảng dạy các em", GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định.
Đưa ra số liệu, bà Doan nhận thấy muốn nâng cao chất lượng lao động thì phải nâng cao chất lượng nhà giáo.
"Phải đầu tư cho giáo viên đi học, đồng thời thầy cô cũng phải tự học, tự nghiên cứu mới có thể nâng cao trình độ. Giáo viên không khai phóng thì khó có một nền giáo dục khai phóng", bà Doan nói.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, áp lực thành tích vẫn đè nặng lên thầy trò và phụ huynh: "Nếu bây giờ vẫn còn văn mẫu, kiểm tra học thuộc lòng thì làm mất đi sự sáng tạo của học sinh Gen Z".
Cùng với đó, vì đời sống giáo viên còn khó khăn nên khiến cho thầy cô không có thời gian đọc và tự học để nâng cao trình độ hay các vấn đề liên quan đến sổ sách, báo cáo thông tin cho phụ huynh còn nặng nề gây mất thời gian giáo viên.
Đại diện địa phương báo cáo tại hội nghị, ông Vừ A Bằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, năm học 2023 – 2024 cũng thông tin những khó khăn của đội ngũ giáo viên tại địa phương.
Ông Vừ A Bằng cho biết: "Đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định, thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường".
Ngoài ra, chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Đối với Tp.Hà Nội, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng kiến nghị rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên khi quy mô học sinh và trường lớp tăng lên.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2024-2025:
Thứ nhất, triển khai Kết luận số 91ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29.
Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT
Thứ ba, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.
Thứ tư, bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non.
Thứ năm, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng.
Thứ sáu, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Thứ bảy, tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên.
Thứ tám, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Thứ chín, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.
Thứ mười, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Mười một, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Mười hai, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.