Theo ông Nam, thị trường bất động sản du lịch đang có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh các bộ, ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước. Bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp bốn lần so với thập kỷ trước.
Khách du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho biệt thự, khách sạn và các nhu cầu dịch vụ, mua sắm, giải trí phát triển.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng nhanh, nhưng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu) và Indonesia (15,8 triệu).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 đạt 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á về thu hút khách ngoại.
Đặc biệt, mức chi tiêu của du khách đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày, trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày.
Theo ông Nam, giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng du lịch.
Theo ông Nam, so với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, nguồn cung bất động sản du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Theo ông Nam, giá bất động sản du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch nhắm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông.
Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng hệ sinh thái, quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.
“Vì thế, tôi cho rằng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường. Dù sở hữu dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch "rất ngon", nhưng không phải ai cũng ăn được”, ông Nam nhận định.
Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường động sản du lịch Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thị trường có rất nhiều dự án lớn, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”.
“Chưa kể, thị trường thời gian qua có tự tắc nghẽn nhất định. Sự tắc nghẽn này do khung pháp luật về bất động sản du lịch chưa đáp ứng được, các cán bộ có thẩm quyền phê duyệt lâm vào cảnh e ngại”, ông Võ nói.
Thị trường bất động sản du lịch muốn tăng trưởng cần giải quyết nhiều thách thức.
Cần giải quyết nhiều thách thức
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đầu tư bất động sản du lịch khó khăn và thách thức hơn phân khúc nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả.
Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này.
Theo ông Nam để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là những “con sếu đầu đàn" trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đã dần biết cách "chọn mặt gửi vàng", đặt niềm tin "đúng chỗ", nhìn nhận được đâu là sản phẩm bất động sản có tiềm năng sinh lời. Đó phải là những sản phẩm được thiết kế đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn riêng, nằm trong khu vực du lịch phát triển, có nhiều dự án xung quanh bổ trợ để cùng thu hút khách du lịch…
Mặt khác, ông Nam đánh giá, ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.
Nhận diện được cơ hội đó, một số chủ đầu tư đã tiên phong nhập cuộc và sẵn sàng kiến tạo các loại hình sản phẩm mới, kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai, hướng tới đa trải nghiệm cho khách hàng và tạo ra dấu ấn riêng cho dự án.
“Trong đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, có một nguyên tắc là, chỉ khi dự án vận hành tốt, tỷ lệ lấp đầy phòng cao, các nhà đầu tư mới có cơ sở kỳ vọng về dòng lợi nhuận thu về”, ông Nam khẳng định.
Còn theo Võ, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, chúng ta đã làm được rất tốt, trong đó bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp hiệu quả.
“Giai đoạn vừa rồi chúng ta ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Nhưng tôi cho rằng mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa. Để làm được điều đó, cần giải quyết nhiều thách thức. Chúng ta tăng trưởng từ mức thấp lên trung bình thì có thể dễ, nhưng từ trung bình lên cao hẳn thì không đơn giản”, ông Võ nói.
Tâm An/ Cafeland