Nền tảng quản lý giao thông thông minh là cơ sở để ứng dụng AI khai thác hạ tầng
Hướng ứng dụng tất yếu
AI đã được ứng dụng ở nhiều ngành, lĩnh vực tại TPHCM. Trong lĩnh vực y tế, AI được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 và BV Gia An 115. AI cũng được thử nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại BV Ung bướu TPHCM. Nhiều BV tại TPHCM ứng dụng AI vào công tác quản lý, xây dựng và cài đặt hệ thống nhắc liều lượng thuốc, nhắc kê đơn những thuốc có cùng hoạt chất, nhắc thuốc có nhiều tác dụng phụ… góp phần giảm nguy cơ sai sót trong kê đơn của y bác sĩ.
Theo PGS-TS Thoại Nam, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), hệ thống giao thông TPHCM đang được trang bị, theo dõi bởi nhiều camera và dữ liệu tập trung về Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Việc ứng dụng AI phân tích dữ liệu camera có thể thu thập tự động các thông số liên quan về giao thông như loại xe, mật độ, lưu lượng, hướng di chuyển, giúp điều hành hệ thống giao thông tốt hơn. Ngoài việc sử dụng hình ảnh từ camera, các giải thuật AI cũng có thể được áp dụng trên dữ liệu GPS của các phương tiện giao thông, điện thoại thông minh của người dùng. Từ việc phân tích dữ liệu, hệ thống có thể xác định hiện trạng giao thông hiện tại và dự báo xu hướng ùn tắc giao thông tương lai gần.
Những năm qua, TPHCM tổ chức nhiều chương trình hội thảo lớn về AI để lắng nghe, đúc kết những giá trị cho việc xây dựng Chương trình AI của TP. Tại Ngày hội doanh nghiệp CNTT và AI TPHCM năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc ứng dụng AI và chuyển đổi số đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhất là trong bối cảnh TP đang bước vào giai đoạn 2 của đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp thành công. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng chỉ ra, trong số 45.000 doanh nghiệp CNTT của TPHCM, có 2% doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng, 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đây là thách thức lớn cho việc ứng dụng AI và chuyển đổi số.
Nhiều mục tiêu lớn
Với chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2030”, AI trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Chương trình này cũng đặt mục tiêu chung: xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số… sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tăng trưởng GRDP của TPHCM.
Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho biết, chương trình đặt các mục tiêu cụ thể: xây dựng cơ chế, chính sách và thị trường phát triển AI; xây dựng hạ tầng tính toán (hạ tầng số, hạ tầng siêu máy tính xử lý, phân tích AI, phục vụ các hoạt động trong hệ sinh thái AI gồm nghiên cứu, khai thác và thử nghiệm); xây dựng hạ tầng dữ liệu (trong đó dữ liệu dùng chung, dữ liệu chia sẻ, dữ liệu mở của các lĩnh vực thuộc tất cả cơ quan quản lý nhà nước và dữ liệu cộng đồng); 100% cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở dữ liệu nghiệp vụ được kết nối, chia sẻ, mở phục vụ ứng dụng AI; nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng AI (nhóm giải pháp: đề án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ AI vào các vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống người dân).
Theo ông Lê Quốc Cường, với Quyết định số 575, thành phố kỳ vọng chương trình sẽ thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực AI và gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai ứng dụng AI trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh. 9 đề án, dự án, hạng mục của của chương trình như góp phần thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển nhanh, bền vững: Đề án xây dựng hạ tầng số; Đề án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; Dự án xây dựng Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI; Tổ chức ngày hội doanh nghiệp CNTT và AI TPHCM; Hạng mục khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển AI; Hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về AI; Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI TPHCM; Đề án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; Đề án Đào tạo nguồn nhân lực về AI.