Tọa đàm có sự tham gia của khoảng 80 doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến với nhiều đóng góp thiết thực cho việc phát triển du lịch Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), thời gian qua, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Từ khi bước vào giai đoạn phục hồi, Chính phủ có nhiều giải pháp phục hồi phát triển du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai phiên họp và sau đó có Nghị quyết 82 với 7 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch đã tạo đà kích cầu thị trường này. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận như: tour Du lịch “Đêm thiêng liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, chuỗi sản phẩm “Khám phá Đông Nam Á” của Bảo tàng Dân tộc học… Trong 8 tháng năm 2023, Thủ đô đã phục vụ 13 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Dù vậy, số lượng như trên vẫn chưa xứng với tiềm năng. Do đó, để thu hút khách cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến.
Đại diện các doanh nghiệp du lịch đề xuất, muốn phát triển du lịch đêm, Thủ đô cần quy hoạch lại tuyến phố phát triển du lịch đêm; có công bố thời gian mở cửa dịch vụ đến 2-3 giờ sáng. Cần liên kết các sản phẩm mang tính đặc trưng giữa nội đô và ngoại thành Hà Nội; Định hướng thời gian tới, Hà Nội chú trọng sản phẩm làm tăng doanh thu. Bên cạnh đó xác định rõ phân khúc thị trường khách để có sản phẩm phù hợp.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam thì Hà Nội cần tập trung khai thác tăng doanh thu để tăng hiệu quả kinh tế, hơn là chú trọng số lượng khách. Đồng thời, Hà Nội cần xây dựng tuyến xe điện kết nối trong nội đô bởi khách hiện đi tự do nhiều.
Tại buổi tọa đàm, bà Đặng Hương Giang, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với chính sách mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và đã được đông đảo du khách đón nhận. Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á năm 2022" và giải thưởng "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022" do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn. Năm 2023, Hà Nội tiếp tục nhận 3 giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới, đó là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Cũng theo bà Giang, tốc độ phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 tại Hà Nội nhanh, nhưng phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng.
Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng khai thác sản phẩm du lịch đêm; du lịch đường sông và khai thác tốt hơn các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông…
Minh Anh