Cụ thể, theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50. Gần 800.000 người Mỹ bị đột quỵ hàng năm—xấp xỉ 137.000 người trong số đó tử vong và cuộc sống của những người sống sót thay đổi mãi mãi. Ngày nay có khoảng 6,5 triệu người sống sót qua đột quy đang sống ở Mỹ. Nhiều năm trước, đột quỵ được coi là không thể chữa trị, nhưng điều này không còn đúng nữa, đặc biệt là với các kỹ thuật mới hiện nay. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới…
Phân biệt các loại đột quỵ và triệu chứng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Đột quỵ do huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám.
Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Nguồn phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần được đánh giá bởi một bác sỹ ngay.
Triệu chứng
Các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ và TIA giống nhau, và bao gồm sự xuất hiện đột ngột và ngắt quãng với các biểu hiện như: Tê liệt cấp tính, ốm yếu hoặc tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên của cơ thể. Nếu bạn không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc, hoặc nếu bạn không thể cười một cách bình thường, bạn có thể đang bị đột quỵ; Mất thăng bằng đột ngột, chóng mặt, mất phối hợp; Mờ mắt hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt đột ngột, hoặc nhìn đôi; Lú lẫn đột ngột, khó nói hoặc không hiểu các câu đơn giản; Đau đầu khu trú nghiêm trọng, không giải thích được và xuất hiện nhanh; có thể kèm theo nôn mửa.
Nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn nếu thấy xuất hiệu nhiều hơn một trong các dấu hiệu này. Tuy nhiên, có nhiều tình trạng khác có thể giống đột quỵ, vì vậy cần phải có một chuyên gia y tế xác định nguyên nhân của các triệu chứng này. Việc học cách nhận biết các dấu hiệu này là quan trọng, và nếu có thể, chú ý ngay khi chúng bắt đầu. Mặc dù chúng có thể không gây đau và thậm chí qua đi nhanh chóng, chúng là những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng rằng một cơn đột quỵ đã xảy ra hoặc có thể sắp xuất hiện. Mỗi phút đều có ý nghĩa: bạn được điều trị càng sớm (lý tưởng là trong vòng 60 phút), nguy cơ xuất hiện tổn thương vinh viễn càng giảm.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ nhận biết các cơn đột quỵ nhỏ vì triệu chứng có thể bị bỏ qua bởi bệnh nhân và gia đình do hiểu nhầm đó là do lão hóa, hoặc có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh thần kinh khác. Như đã lưu ý ở trên, bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào cần cũng cần phải đánh giá y tế ngay lập tức. Như là các chuyên gia y tế sẽ nói với bạn, “càng mất nhiều thời gian, tổn thương não càng nghiêm trọng hơn”.
Theo ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108, năm 2020 đã ghi nhận nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não, trong đó có trường hợp nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.
BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, gần đây nhất, trung tâm tiếp nhận một bệnh nhân nam mới chỉ 26 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt suốt ba ngày trước. Bệnh nhân khi vào viện tỉnh, không liệt, không yếu chân tay. Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bị nhồi máu tiểu não trái, hẹp 40% V4 trái, 70% P1 trái.
"Bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Gia đình không ai đột quỵ não. Bệnh nhân đến với chúng tôi cũng muộn, sau khi bệnh khởi phát ba ngày, bỏ qua thời gian vàng trong điều trị đột quỵ", BS Cường cho biết.
Các yếu tố và nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đột quỵ
Hội chứng tăng huyết áp (cao huyết áp): Nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng khi huyết áp duy trì ở trên mức 115/75. Cao huyết áp, nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ. Do cao huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hai đến sáu lần, kiểm soát huyết áp giúp giảm nguy cơ đáng kể. Có sẵn một số thuốc giúp kiểm soát cao huyết áp.
Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Phơi nhiễm với hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tin tốt là, nếu bạn dừng hút thuốc hôm nay, trong vòng hai đến năm năm, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.
Cholesterol cao và thừa cân: Mức cholesterol từ 200 trở xuống là tốt nhất cho người trưởng thành. Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp. Lối sống ngồi yên ít vận động làm gia tăng nguy cơ. Uống các thuốc statin làm giảm cholesterol có thể giảm nguy cơ đột quỵ.
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên có một thực trạng là trong năm năm vừa qua (từ 2014- 2020), tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam đã tăng 33%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Bệnh đái tháo đường thường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ (thậm chí với trẻ em). Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9-13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ, thậm chí mới 9 tuổi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể thay đổi các yếu tố sau, nhưng có thể giảm thiểu ảnh hưởng của chúng lên nguy cơ đột quỵ chung bằng cách tập trung vào các yếu tố có thể kiểm soát được đó là: Về tuổi tác: Mặc dù người trẻ tuổi có thể bị đột quỵ, nhưng nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi mỗi 10 năm kể từ tuổi 55; Nam giới sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn một chút so với nữ giới; Tiền sử gia đình có người từng bị đột quỵ; Các vấn đề về tuần hoàn liên quan đến đái tháo đường có thể tăng nguy cơ đột quỵ thậm chí là khi mức đường huyết và insulin được kiểm soát chặt chẽ; Đột quỵ tái phát: Một người có tiền sử đột quỵ có nguy cơ cao bị một lần đột quỵ khác. Nguy cơ cao này kéo dài xấp xỉ năm năm và giảm dần theo thời gian; nguy cơ cao nhất là trong vòng vài tháng đầu tiên.
Ngoài ra, các bệnh về đau tim cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một yếu tố nguy cơ bổ sung là một bất thường ở tim được gọi là rung tâm nhĩ (AF), một loại bất thường nhịp tim đặc biệt ảnh hưởng đến trên một triệu người Mỹ. Thông thường, cả bốn buồng tim của trái tim đập theo cùng một nhịp, khoảng 60 đến 100 lần một phút. Ở người bị AF, tâm nhĩ trái có thể đập nhanh và không kiểm soát được lên đến 400 lần một phút. Nếu không được điều trị, AF có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn từ 4 đến 6 lần.
Nguy cơ đột quỵ cũng có khả năng xảy ra cao đối với việc sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ); sử dụng các thuốc trái luật như cocain và methamphetamin; tăng lượng hồng cầu; đau nửa đầu kèm hoa mắt (rối loạn thị giác). Tuy nhiên hiện nay chưa có chứng minh nào chỉ ra có mối quan hệ trực tiếp giữa căng thẳng và nguy cơ đột quỵ. Cũng như với nhiều tình trạng, tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày trong tuần làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Hậu quả sau đột quỵ
Mặc dù chưa có hai người sống sót sau đột quỵ nào có tổn thương hoặc khuyết tật giống hệt nhau, những những triệu chứng thể chất, hành vi nhận thức và cảm xúc của những người này thường là: Tê liệt hoặc yếu thông thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi, khó khăn trong giao tiếp, rối loạn cảm xúc. Đặc biệt là chứng trầm cảm, thường là lo âu (về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ, và có thể có nguyên nhân sinh lý và tâm lý. Có thể dùng thuốc để giảm nhẹ những triệu chứng này.
Duy trì lối sống lành mạnh để phòng tránh nguy cơ đột quỵ
Nên thay đổi các thói quen liên quan đến hành vi và lối sống chưa lành mạnh điển hình như bỏ hút thuốc lá, cải thiện các thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như ăn mặn, nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu bia. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol và cần bổ sung vào chế độ ăn uống chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển, như: Cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương…Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày như chơi thể thao, chạy bộ, tăng cường hoạt động thể lực, đạt được và duy trì mức cân nặng bình thường, giảm lo âu, căng thẳng, theo dõi và khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở bệnh viện uy tín.
Duy Minh