Liên quan vụ 573 nhãn hiệu sữa giả cho người già, trẻ em, thai phụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là 2 đối tượng bị cáo buộc là cầm đầu, chủ mưu.
Theo cơ quan chức năng, tháng 8/2021, Cường, Hà nắm bắt được nhu cầu sử dụng sữa bột trong nước. Do đó, 2 đối tượng này thành lập Công ty Rance Pharma (ở phường Vạn Phúc, Hà Đông) và Công ty Hacofood Group (ở khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Kho chứa các hộp sữa bột giả. Ảnh: VTV
Tại 2 công ty này, Hà và Cường trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông và cũng là cổ đông góp vốn chính. Bên cạnh đó, Hà là người ký các văn bản với tư cách "người đại diện theo pháp luật".
Ngoài 2 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác để thành lập thêm 9 công ty, với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.
9 công ty trong "hệ sinh thái" này gồm: Công ty cổ phần dược quốc tế Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty cổ phần dược quốc tế Long Khang Group, Công ty cổ phần dinh dưỡng y học BFF, Công ty cổ phần dược quốc tế Safaco Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Darifa Group, Công ty cổ phần dược quốc tế Win CT, Công ty cổ phần dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty cổ phần dược Á Châu.
Website và fanpage của các công ty hiện đều không thể truy cập. Trên sàn thương mại điện tử nhiều sản phẩm được xoá khỏi gian hàng.
Cùng đó, hình ảnh của người nổi tiếng từng quảng cáo cho nhãn sữa của CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cũng đã được gỡ bỏ.
Các sản phẩm được quảng cáo là phân phối khắp cả nước, từ cửa hàng bỉm sữa đến siêu thị, cơ sở y tế.
Các sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ với thành phần "cao cấp" như sữa non, DHA, vitamin, khoáng chất, colostrum. Một số loại sữa giả phổ biến được nhóm công ty này bán trên thị trường như:
Nhãn sữa Cilonmum: dành cho trẻ từ 0 đến 12 tuổi; sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú, người tiểu đường; người suy thận, người sau phẫu thuật: Bao gồm các sản phẩm như Cilonmum Colos Baby 24h, Cilonmum Colos Pedia 24h, Cilonmum For Mum Colostrum 24h, Cilonmum bGludiabet Colostrum 24h, Cilonmum Kid Goat Colostrum 24h, Cilonmum Pedia Goat Colostrum 24h và Cilonmum Diasure Colostrum 24h - do Công ty CP Dược quốc tế Group phân phối.
Talacmum: Gồm các dòng sản phẩm như Talacmum For Mum, Talacmum Gain, Talacmum Gludiabet, Talacmum Goat Kids, Talacmum Goat Pedia, Talacmum IQ Grow, Talacmum Kalosure Gold, Talacmum Kid Baby và Talacmum Pedia Cool.
Đây là các dòng sữa được quảng cáo dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú; hỗ trợ tăng cân cho người gầy yếu; người tiểu đường; trẻ nhỏ; hỗ trợ phát triển trí não; bổ sung canxi, vitamin D3, sữa cho trẻ sơ sinh và sữa hỗ trợ tiêu hóa, tăng miễn dịch.
Các sản phẩm của này được quảng cáo là sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại.
Colos 24H Premium: Dòng sản phẩm như Colos 24h Premium Kid Baby dành cho trẻ sơ sinh - Colos 24H Premium được sản xuất và phân phối bởi Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma. Các sản phẩm này được quảng cáo dùng cho trẻ sơ sinh; trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng; người gầy yếu, hấp thu kém; trẻ có hệ tiêu hóa kém.
Các nhãn hiệu khác đang được phân phối bởi Công ty CP Dược Quốc tế Group: Nance (bao gồm Nance Colostrum 24H Kid và Nance Goat Pedia), Baby Care, Darifa, IQ Plus+, Kenmil, Samice, Sure IQ, Colos IQ, Bold Milk, Kasumi.
Ngoài ra, công ty này còn có các sản phẩm như NewSure Colos 24H Kid Plus (dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi); Baby Care Colostrum Kid (cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi); Bold Milk: Bao gồm Bold Milk For Mum Colostrum và Bold Milk Glu Sure Colostrum; Sure IQ Sure Gold (sản phẩm dinh dưỡng cho cả gia đình).
Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cũng sản xuất các loại sữa như: Sữa dinh dưỡng Talacmum, sữa dinh dưỡng Cegold, sữa dinh dưỡng The Empire, sữa dinh dưỡng Ikidmi, sữa dinh dưỡng Kawai, sữa dinh dưỡng Superce, sữa dinh dưỡng Hacomax, sữa dinh dưỡng Biosmart, sữa dinh dưỡng Kidnimil, sữa dinh dưỡng Maxcare; sữa dinh dưỡng Gumi Colos 24h Baby... và hàng chục nhãn hiệu khác.

Cơ quan điều tra làm việc với đại diện Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma. Ảnh: Công an nhân dân
Đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Dù công bố thành phần sản phẩm có chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm không chứa các thành phần này mà chỉ sử dụng một số nguyên liệu thông thường cùng phụ gia.
Kết quả giám định cho thấy một số sản phẩm sữa bột có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để xác định là hàng giả.
Trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay), các bị can đã thông qua nhiều công ty để tiêu thụ sữa bột giả ra thị trường, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Hải Vân (T/h theo , Người lao động, VietNamnet)